Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu
…Họ làm việc cật lực suốt cả tuần đằng đẵng, họ khổ sở vì làm việc, không phải vì họ thích làm việc, mà vì họ cảm thấy họ phải làm. Họ phải làm việc, vì họ phải trả tiền thuê nhà, vì họ phải nuôi gia đình. Họ gánh tất cả những nhọc nhằn bất mãn ấy, và khi họ nhận được những đồng tiền của mình, họ không hạnh phúc. Họ có hai ngày để nghỉ ngơi, làm điều họ muốn làm, và họ làm gì? Họ tìm cách chạy trốn. Họ uống say mềm vì họ không ưa chính họ. Họ không thích cuộc sống của họ. Có nhiều cách để chúng ta tự làm tổn thương mình, khi chúng ta không ưa bản thân mình.
Mặt khác, nếu bạn hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó, mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thấy rằng bạn vui thích với mỗi hành động bạn thực hiện. Các phần thưởng rồi sẽ đến, nhưng bạn không bị ràng buộc vào phần thưởng. Bạn thậm chí còn nhận được cho mình nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng, khi không mong chờ phần thưởng. Nếu chúng ta yêu thích điều chúng ta làm, nếu chúng ta luôn làm hết khả năng của mình, khi ấy chúng ta sẽ được tận hưởng cuộc sống một cách thực sự. Chúng ta có niềm vui, chúng ta không chán nản, và chúng ta không thất vọng…
(Bốn thỏa ước, Don Miguel Ruiz, Nguyễn Trung Kỳ dịch, NXB Tri thức, 2017)
Câu 1: Cho biết phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2: Trong văn bản trên, tác giả đã chỉ ra những thái độ nào của con người đối với công việc? Những biểu hiện nào thể hiện thái độ tích cực?
Câu 3: Trong đoạn trích có câu "Họ tìm cách chạy trốn". Theo anh/chị, tác giả muốn nói "họ tìm cách chạy trốn" khỏi điều gì?
Câu 4: Anh/chị có đồng tính với ý kiến: "Mặt khác, nếu bạn hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó, mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thấy rằng bạn vui thích với mỗi hành động bạn thực hiện"? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1: Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy việt một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về cách để mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự.
Câu 2: Trong Vội vàng, nhà thơ Xuân Diệu viết:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn;
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của trời tươi;
- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
(Ngữ Văn 11 – Tập II, NXB Giáo dục Việt Nam)
Bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh có đoạn:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù vuôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Ngữ Văn 12 – Tập I, NXB Giáo dục Việt Nam)
Hãy trình bày cảm nhận của anh/chị về khát vọng tình yêu tuổi trẻ ở các đoạn thơ trên.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2:
- Những thái độ của con người với công việc:
+ Công việc như một việc phải làm, không có niềm đam mê, yêu thích với công việc.
+ Công việc như một niềm đam mê, họ yêu thích công việc của mình.
- Biểu hiện thể hiện thái độ tích cực:
+ Nếu hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó, không mong chờ phần thưởng bạn sẽ nhận được phần thưởng lớn hơn mình tưởng tượng.
+ Làm điều mình yêu thích bằng tất cả khả năng của mình sẽ là cách bạn tận hưởng cuộc sống một cách thực sự.
+ Khi ấy chúng ta sẽ có niềm vui, không chán nản, không thất vọng,…
Câu 3:
- Điều “họ tìm cách chạy trốn” là: công việc không yêu thích, những gánh nặng đè nặng lên vai họ: tiền nhà, gia đình,… và chạy trốn chính bản thân mình.
Câu 4:
- Học sinh có thể lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý miễn là có cách lý giải hợp lý.
+ Nếu lựa chon đồng tình có thể lý giải: khi chúng ta làm vì niềm yêu thích, đam mê với công việc thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn, có hứng thú trong công việc hơn.
+ Nếu lựa chọn không đồng tình có thể lý giải: mỗi công việc nếu không có phần thưởng được đặt ra trước chúng ta sẽ mất đi động lực để ta không ngừng tiến lên, vượt qua những trở ngại. Phần thưởng càng lớn động lực quyết tâm phấn đấu càng cao.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- “Tận hưởng cuộc sống một cách thực thụ” là sự hưởng thụ trọn vẹn tất cả niềm vui, sự hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người.
* Bàn luận vấn đề
- Cách thức tận hưởng cuộc sống thực thụ:
+ Mỗi chúng ta có những cách khác nhau để tận hưởng cuộc sống nhưng đâu mới là cách thức tận hưởng cuộc sống một cách thực thụ.
+ Làm những công việc mình yêu thích, làm bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
+ Hài lòng với những gì mình đang có, không ghen ghét đố kị với những người xung quanh. Nhưng không vì thế mà sinh ra tính tự thỏa mãn, không nỗ lực phấn đấu cho tương lai.
+ Không ngừng nâng cao hiểu biết và hoàn thiện bản thân.
+ Có tấm lòng nhân hậu, lương thiện, luôn có thái độ khoan hòa, bao dung trước mọi sai lầm, khuyết điểm của người khác.
→ Hưởng thụ thực sự là khi con người cảm thấy thanh thản và mãn nguyện với những việc mình làm, những điều mình suy nghĩ.
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Hiện nay vẫn còn những quan niệm sai lầm về hưởng thụ như: chỉ chăm lo cho cá nhân, sống đua đòi, hưởng lạc,… đó là những cách suy nghĩ sai lầm, thiển cận, cần phải loại bỏ.
- Muốn có được sự hưởng thụ thực sự đòi hỏi mỗi con người cần phải học hỏi và hiểu biết về những gì ta đang làm, ta đang có, cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện với những điều đó.
- Liên hệ bản thân: Em đã làm gì để tận hưởng cuộc sống một cách thực thụ.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Xuân Diệu là cây bút xuất sắc của phong trào Thơ mới. Ông được giới trẻ tấn phong là ông hoàng của thơ tình bởi đã đem vào thơ tình một quan niệm đầy đủ, toàn diện, một cách thể hiện mới mẻ, phong phú đặc biệt là sự diễn đạt chân thực và táo bạo về tình yêu. Xuân Diệu đem đến cho thơ hiện đại Việt Nam một giọng điệu thiết tha, sôi nổi.
- Vội vàng được in trong tập Thơ thơ (1938). Thi phẩm đầu tay này ngay lập tức vinh danh Xuân Diệu như một đại biểu tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới.
- Xuân Quỳnh là gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
- Sóng (1967) là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
2. Phân tích
2.1. Đoạn thơ trong bài thơ "Vội Vàng" của Xuân Diệu bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và giàu khát vọng và yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt.
- Câu thơ mở đầu đoạn thơ "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm" như một lời giục giã nhanh chóng tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Có lẽ sự nhạy cảm về thời gian đã khiến Xuân Diệu lúc nào cũng cuống quýt, vội vàng.
- Chữ "tôi" trong đoạn thơ mở đầu đã chuyển thành chữ ta ở đoạn cuối. Dường như có sự đồng thuận mặc nhiên nào đó mà cảm xúc của "cái tôi" bỗng hòa nhập vào "cái ta" rộng mở.
- Nhịp thơ sau một hồi ngưng đọng lại như hối hả, gấp gáp hơn chuyển tải cả một dòng cảm xúc say sưa, ào ạt.
- Tác giả dùng một loạt các động từ mạnh "ôm", "riết", "say", "hôn",... thể hiện ước muốn tận hưởng bằng tất cả các giác quan.
- Các bổ ngữ ⟶ bày ra bàn tiệc thịnh soạn của cuộc đời, có đầy đủ thanh sắc, đẹp vô cùng, trần trề vô cùng.
- Liên từ "và", "cho"... được lặp lại ⟶ nhấn mạnh sự ăm ắp, thịnh soạn của bàn tiệc của mùa xuân, bàn tiệc của cuộc đời.
- Một loạt tính từ và cũng là từ láy: "chếnh choáng", "đã đầy", "no nê" → diễn tả sự thỏa mãn tận cùng.
- Tác giả khép lại mong muốn của mình bằng:
+ Lời gọi: "hỡi xuân hồng" ⟶ mùa xuân không còn vô hình, trừu tượng mà trở thành con người hữu hình, thân thiết.
+ Biện pháp chuyển đổi cảm giác: "xuân" ⟶ "xuân hồng" ⟶ "muốn cắn" ⟶ mong muốn được hưởng thụ một cách trọn vẹn nhất.
→ Xuân Diệu vô cùng nhạy cảm trước bước đi của thời gian cho nên thi sĩ khát khao tận hưởng những phút giây đẹp nhất của đời người. Đây cũng chính là một khát vọng rất nhân văn.
- Nghệ thuật:
+ Có sự đan xen giữa cảm xúc nồng nàn với cảm hứng triết luận sâu sắc.
+ Dùng rất nhiều biện pháp nghệ thuật: thể thơ tự do, thủ pháp trùng điệp, ngôn từ mới mẻ, hình ảnh sáng tạo…
2.2. Đoạn thơ trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh thể hiện cái tôi đầy khao khát
* Khổ 7: Khát vọng, niềm tin vào tình yêu và cuộc đời
- Khát vọng của sóng luôn hướng vào bờ, khát vọng của em đặt trọn vào tình yêu nơi anh. Quy luật của tự nhiên cũng như quy luật của cuộc đời luôn khao khát bến đỗ hạnh phúc dù còn muôn vàn khó khăn, trắc trở.
- Dù đã trải qua nhiều đắng cay, đổ vỡ trong tình yêu nhưng người phụ nữ ấy vẫn hồn nhiên, tha thiết yêu đời, vẫn ấp ủ hi vọng và niềm tin vào hạnh phúc tương lai.
* Khổ 8, 9: Khát vọng dâng hiến và bất tử hóa tình yêu
- Nhà thơ suy tư về không gian, thời gian và bộc lộ nỗi niềm khắc khoải, tự nhận thức về mình, về tình yêu và hạnh phúc đồng thời khẳng định sự hữu hạn, nhỏ bé của đời người với dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian và cái vô hạn của vũ trụ.
- Khát vọng được hóa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lý trong tình yêu là "Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt" (Christopher Hoare). "Tan ra" không phải là tan biến đi mà là để còn mãi.
- Khát vọng muốn hòa nhập tình yêu của mình để ngàn năm còn vỗ. Đây là khát vọng muốn được vĩnh cửu hóa, bất tử hóa tình yêu.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu như âm hưởng của những con sóng biển.
+ Sử dụng phép nhân hóa, so sánh.
2.3. So sánh
- Giống nhau: đều sử dụng thể thơ giàu nhịp điệu, thể hiện được khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng về tình yêu với cuộc đời.
- Khác nhau: khát vọng trong Sóng là khát vọng của tình yêu lứa đôi, là khao khát dâng hiến đến tận cùng. Còn trong Vội Vàng thì thể hiện một quan niệm sống: sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ sẽ không còn – đó là tình yêu tha thiết với cuộc sống.
3. Kết luận
- Khái quát lại vấn đề.
Đề thi thử THPTQG
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 1 môn Toán lớp 12
HÌNH HỌC SBT - TOÁN 12
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Đề thi thử THPT QG