Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong một buổi diễn thuyết đầu năm học, Brian Dison – Tổng giám đốc tập đoàn Coca Cola đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người. Trong bài diễn thuyết có đoạn:
“Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình.
Bạn chớ nên thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của bạn. Bởi vì nếu không có chúng, cuộc sống của bạn sẽ phần nào mất đi ý nghĩa.
Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.
Bạn chớ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó để cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thực sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa.
Bạn chớ ngại nhận rằng mình chưa hoàn thiện. Đó chính là sợi chỉ mỏng manh ràng buộc mỗi người chúng ta lại với nhau.
Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm…”
(Theo “Quà tặng cuộc sống – Sống trọn vẹn từng ngày” – www.kienthuccuocsong.edu.vn)
Câu 1: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2: Theo tác giả, vì sao “Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng”?
Câu 3: Em hiểu như thế nào về câu nói: “Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình?”
Câu 4: Brian Dison nói: “Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm…”, anh/chị có đồng tình với điều đó không? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Brian Dison trong phần đọc hiểu: “Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa”.
Câu 2:
Cảm nhận của anh (chị) về niềm khao khát muốn đi chơi của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài). Từ đó, liên hệ với niềm mong đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện của hai chị em Liên An (“Hai đứa trẻ” – Thạch Lam) và nhận xét quan niệm của mỗi nhà văn về cuộc sống có ý nghĩa.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Biện pháp: Điệp ngữ (Bạn chớ ….)
- Tác dụng: Khẳng định, nhận mạnh những điều quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua trong cuộc sống.
Câu 2:
– Mỗi người đều có những nét riêng về tính cách, sở trường, suy nghĩ, quan điểm hoàn cảnh, sở thích,… Vì vậy, mục tiêu của mỗi người cũng khác.
– Nếu đặt mục tiêu của mình vào những gì mà người khác cho là quan trọng chúng ta sẽ không phát huy hết năng lực sở trường của bản thân; đánh mất chính mình, biến mình thành một bản sao; sống vô nghĩa….
– Hiểu rõ điều gì tốt cho bản thân là hiểu được chính mình. Chính điều này rất quan trọng giúp chúng ta tự tin, chủ động và quyết tâm nhiều hơn để chinh phục được mục tiêu, làm cho cuộc sống thú vị và ý nghĩa hơn.
Câu 3:
- "Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay": cách nói hình ảnh về việc để thời gian trôi đi vô ích, thái độ thờ ơ với cuộc sống.
- "Sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc": nâng niu trân trọng cuộc sống của bản thân.
- "Sống trọn vẹn từng ngày": sống có ý nghĩa, sử dụng thời gian hợp lí, có ích.
→ Ý nghĩa: khuyên con người trân trọng thời gian hiện tại, quý trọng cuộc sống của bản thân.
Câu 4:
- Đồng tình với quan điểm của tác giả.
- Cách giải:
+ Mạo hiểm, dám đương đầu với thử thách bạn sẽ có nhiều cơ hội và từ đó tăng thêm khả năng thành công.
+ Bài học về sự dũng cảm, dám đương đầu với thử thách.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề:
- “Không có gì là hoàn toàn bế tắc mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa”: Trong cuộc sống khi đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, chúng ta thường nghĩ đó là sự bế tắc, đường cùng. Thế nhưng đó chỉ là ranh giới tạm thời để thử thách ý chí, nghị lực con người, biết cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống thì không có khó khăn nào mà không thể vượt qua.
* Bàn luận vấn đề
- Trong cuộc sống chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua, người bản lĩnh là người có ý chí, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn đó.
- Ý chí, nghị lực vượt khó là một phẩm chất cần có đối với con người hiện đại, giúp chúng ta chinh phục thử thách và khám phá những năng lực phi thường của chính mình.
- Người có ý chí, nghị lực còn giúp truyền cảm hứng vượt khó đến những người xung quanh.
- Dẫn chứng
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Phê phán những kẻ hèn nhát, nhụt ý chí trước những khó khăn thử thách.
- Liên hệ bản thân.
Câu 2:
1. Mở bài:
* Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”
- Tô Hoài là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thực đời thường. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Ông cũng là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (1952) in trong tập Truyện Tây Bắc được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.
2. Phân tích:
2.1 Giới thiệu về nhân vật Mị
a. Chân dung, lai lịch:
- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Mị xinh đẹp như bông hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc.
- Tài năng: thổi lá hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:
+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”
+ Tự ti vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”
+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”
→ Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.
b. Số phận bất hạnh: bị biến thành con dâu gạt nợ.
- Nguyên nhân:
+ Do món nợ truyền kiếp.
+ Vì Mị bị A Sử lừa bắt về do hủ tục cướp vợ của người dân tộc thiểu số.
- Ban đầu mới về, Mị phản kháng nhưng yếu ớt rồi muốn tự tử nhưng đến khi quen dần Mị chịu sự đày ải cả về thể xác lẫn tinh thần.
c. Phân tích khát khao muốn đi chơi của Mị
* Nguyên nhân làm sống dậy khát khao:
- Khung cảnh ngày xuân:
+ Màu sắc rực rỡ: cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy phơi trên mỏm đá xòe rộng ra như những cánh bướm sặc sỡ.
+ Âm thanh náo nhiệt, tưng bừng: tiếng trẻ con chờ tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà …
- Tiếng sáo: có sự dịch chuyển, vận động:
+ Từ xa đến gần (Từ ngoài vào trong, từ khách thể nhập vào chủ thể):
Lấp ló ngoài đầu núi vọng lại.
Văng vẳng ở đầu làng.
Lửng lơ bay ngoài đường.
Rập rờn trong đầu Mị.
+ Từ hiện tại đến quá khứ (Từ cõi thực đến cõi mộng).
+ Tiếng sáo rủ bạn đi chơi đầy háo hức ⟶ tiếng sáo gọi bạn yêu trong tuyệt vọng.
→ Dìu hồn Mị bềnh bồng sống lại với những khát khao yêu thương hạnh phúc của ngày xưa, dẫn Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ.
- Hơi rượu:
+ Uống cả hũ rượu
+ Uống ực từng bát
→ Say lịm mặt ngồi đấy ⟶ Lãng quên hiện tại ⟶ Sống lại quá khứ.
* Khát khao muốn đi chơi
- Những nguyên nhân trên tác động mạnh mẽ đến Mị, Mị thấy “phơi phới” trở lại, “vui sướng”
- Thức dậy ý thức và khát vọng: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
→ Sự giao tranh giữa ý muốn và thực tại hiện hữu
- Thực tại hiện hữu: Mị muốn đi chơi nhưng lại không đi chơi, Mị đi vào buồng.
- Trong hơi rượu, Mị như ở trạng thái mộng du, vượt thoát hoàn cảnh để tìm lại chính mình:
+ Lấy ống mỡ sắn một miếng để thắp đèn lên cho sáng. ⟶ thắp sáng căn buồng cũng là thắp sáng khát vọng giải thoát cuộc đời mình.
+ Chuẩn bị đi chơi: quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa, rút thêm cái áo.
→ A Sử trói Mị không cho đi chơi nhưng A Sử chỉ trói được thân xác Mị chứ không trói được ý muốn đi chơi, không trói được khát vọng, sức sống của Mị. Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo đến với những cuộc chơi.
2.2 Liên hệ với niềm mong đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện của hai chị em Liên An
a. Giới thiệu tác giả Thạch Lam và tác phẩm “Hai đứa trẻ”:
- Thạch Lam là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông có quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Ông thường viết những truyện không có chuyện. Mỗi truyện của ông như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người.
- Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập Nắng trong vườn (1938).
b. Niềm mong đợi chuyến tàu đêm của hai chị em:
* Giới thiệu hai chị em Liên và An
* Phân tích niềm mong đợi chuyến tàu:
- Dù đã muộn nhưng ngày nào hai chị em cũng chờ chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ.
- Khi tàu xuất hiện:
+ Âm thanh: “tiếng xe rít mạnh vào ghi” , “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, “tiếng còi rít lên” ⟶ thực sự rộn rã và náo nhiệt, khác hẳn với âm thanh của phố huyện/
+ Chuyển động mạnh mẽ: “đoàn xe vụt qua”, “tàu rầm rộ đi tới”
+ Ánh sáng: “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”, “đồng và kền lấp lánh” ⟶ rực rỡ, chói lóa, gắn liền với sự sang trọng, giàu có, thứ ánh sáng thực sự xua đi bóng tối.
→ Chuyến tàu là cả khoảng trời mơ ước của hai chị em.
2.3 Điểm tương đồng và khác biệt:
* Tương đồng:
- Đều là khát khao mong ước đẹp đẽ, xuất phát từ những kí ức của nhân vật.
- Thể hiện giá trị nhân đạo của tác giả.
- Thể hiện mong ước muốn vượt thoát thực tại tăm tối của nhân vật.
* Khác biệt:
- Khao khát đi chơi của Mị chính là khao khát được sống tự do.
- Khao khát của chị em Liên là khao khát được sống một tuổi thơ đủ đầy của những đứa trẻ. Đồng thời đó còn là khao khát đổi đời, vươn tới ánh sáng, sống một cuộc đời thực sự.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
PHẦN 1: LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2000
Đề kiểm tra 45 phút kì I - Lớp 12
Chương 2. Tính quy luật của hiện tượng di truyền
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 1 môn Địa lí lớp 12
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 2 môn Tiếng Anh lớp 12