Đề bài
I. ĐỌC – HIỂU
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm hỗ trợ và tư vấn tâm lí (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào muốn tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình, “vào học rồi mới biết mình không hợp”; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau… Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.
Những sai lầm chủ quan trong việc lựa chọn ngành học thường bắt đầu từ quan niệm mang nặng tính thực dụng: ngành này có dễ xin việc làm, có thu nhập cao, có được làm việc ở thành phố không?
Sai lầm có thể đến với người chọn nghề theo truyền thống gia đình, theo sự thành đạt của người thân, theo sự rủ rê của bạn bè… mà không quan tâm đến sự phù hợp của nghề đối với năng lực, nguyện vọng bản thân. Thậm chí, nhiều thí sinh không tự chọn ngành, chọn nghề để đăng kí thi đại học mà người lựa chọn, người làm hồ sơ chính là bố mẹ của thí sính.
Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nữa là chọn nghề hời hợt theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Nhiều học sinh đến năm lớp 12 vẫn chưa tìm hiểu và chưa quyết định chọn nghề. Bởi vậy… có khá nhiều thí sinh nộp 4, 5 bộ hồ sơ thậm chí có người đã nộp 9 – 13 bộ để “chống trượt”.
Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực; giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc.
Lúc ấy, nếu muốn bắt đầu với nghề khác thì phải chịu tốn kém, mất thời gian học nghề mới … Đối với xã hội, có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề)
(Trích ¾ sinh viên chọn nhầm ngành học, Nhã Anh, theo Petrotimes, 16/4/2013)
Câu 1: Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?
Câu 2: Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?
Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan điểm : Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực; giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc không? Vì sao?
Câu 4: Trong khoảng 5 – 7 dòng hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Cần tiết hay không?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm anh/chị về việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Câu 2:
Phân tích làm nổi bật hình tượng con Sông Đà qua sự cảm nhận của Nguyễn Tuân trong đoạn trích tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” (theo SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2014).
Lời giải chi tiết
I. ĐOC HIỂU
Câu 1:
- Nội dung chính của đoạn trích trên: Sinh viên với việc lựa chọn nghề.
Câu 2:
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 3:
Quan điểm "Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy được năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc" nêu lên tác hại của việc chọn sai nghề, nhầm ngành của sinh viên. Học sinh có thể đồng tình hoặc phản đối, (hoặc vừa đồng tình vừa phản đối) quan điểm này.
- Nếu đồng tình, có thể lập luận theo hướng: Chọn sai nghề, nhầm ngành có nghĩa là người học đã không chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng và sở thích của mình, do đó, khi làm nghề sẽ không phát huy được khả năng, không có nhiệt tình làm việc, thiếu tự tin, khó vươn lên đỉnh cao trong nghề, giảm năng suất và hiệu quả lao động.
- Nếu phản đối, có thể lập luận theo hướng: Học sinh phổ thông trung học chưa có nhiều kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết xã hội còn hạn chế, chưa được tư vấn nhiều về chọn nghề, vì thế rất dễ chọn sai nghề/nhầm ngành. Chỉ khi biết mình chọn sai nghề/nhầm ngành, người học mới nhận ra đâu là năng lực, sở trường, sở thích thật sự của mình, do đó sẽ tìm được một ngành/nghề khác phù hợp hơn. Từ việc biết mình chọn sai nghề/nhầm ngành, người học sẽ biết rút ra cho mình những kinh nghiệm bổ ích trong việc chọn ngành nghề. Hơn nữa, cuộc sống và xã hội luôn thay đổi, một người có thể sẽ phải thay đồi nhiều lần ngành nghề cho phù hợp hơn với sự phát triển của bản thân và xã hội.
Học sinh cũng có thể lập luận theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lí.
Nếu học sinh vừa đồng tình vừa phản đối thì cũng có thể kết hợp cả hai hướng lập luận trên hoặc theo hướng khác nhưng phải chặt chẽ, hợp lí, không trái với đạo đức và pháp luật.
Câu 4:
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT là điều cần thiết. Bởi:
- Việc định hướng nghề nghiệp giúp các bạn có thể hiểu nghề nghiệp là gì? Có cái nhìn tổng thể về việc lựa chọn nghề nghiệp quan trọng như thế nào với mỗi người.
- Việc định hướng nghề nghiệp giúp các em tìm được nghề nghiệp phù hợp với năng lực và phát huy được sở trường của mình.
- Tuy nhiên, sự phù hợp chỉ là một nửa của câu chuyện chọn nghề. Ngoài sự phù hợp, người ta còn cần phải yêu thích và say mê với công việc.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Nghề là việc mà một người sẽ phải cố gắng để làm tốt công việc của mình sao cho phù hợp với khả năng, trình độ, lòng đam mê đối với nghề. là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.
- Lựa chọn nghề nghiệp tương lai là tìm ra một công việc mà mình sẽ gắn bó với nó trong cuộc sống lâu dài, thậm chí trong cả cuộc đời của mình.
* Phân tích
- Việc lựa chọn nghề trong tương lai là điều vô cùng quan trọng bởi:
+ Nghề nghiệp là thứ ta sẽ gắn bó dài lâu, sẽ cống hiến cả tâm lực, trí lực cho nó.
+ Nghề nghiệp là thứ sẽ nuôi sống ta.
+ Tìm được một nghề nghiệp phù hợp còn tạo ra cho ta niềm vui mỗi ngày.
- Nên lựa chọn nghề như thế nào?
+ Đầu tiên, việc chọn nghề nghiệp phải xuất phát từ sở thích, từ niềm đam mê. Tại sao lại như vậy? Chỉ có tình yêu, niềm đam mê mới làm con người có hứng thú với công việc mình làm. Và trong nghề nghiệp, đôi khi con người cũng gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy mà tình yêu chính là sức mạnh giúp con người vượt qua những thử thách ban đầu khi ở giai đoạn khởi nghiệp
+ Thứ hai, nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.
+ Việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp phải chủ động, không nên theo số đông, theo ý kiến cha mẹ…Vì nghề nghiệp chính là cuộc sống của mình. Không ai có thể sống thay mình cả.
+ Việc lựa chọn nghề nên có định hướng từ sớm, không nên “nước đến chân” mới chọn đại. Không phải ai cũng may mắn tìm thấy sự phù hợp trong nghề nghiệp ngay từ phút đầu lựa chọn. Vì thế, nếu có chọn nhầm, chọn chưa phù hợp, ta hoàn toàn có quyền làm lại. Quan trọng nhất là phải xác định được bản thân thích gì và muốn gì.
* Bàn luận, mở rộng
- Trong xã hội hiện nay, các bạn sinh viên hay thậm chí nhiều người đi làm cảm thấy mình lựa chọn sai ngành nghề.
- Hiện nay, tại các trường THPT, việc hướng nghiệp cho học sinh cũng chưa được chú trọng. Vấn đề này, cần có sự chung tay không chỉ của giáo dục mà còn toàn thể xã hội.
* Liên hệ bản thân
- Em sẽ chọn ngành nghề như thế nào trong tương lai?
Câu 2:
I. Giới thiệu chung
- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.
- Nét nổi bật trong phong cách của ông là ở chỗ luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và mĩ thuật, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mĩ.
- Người lái đò sông Đà là bài tùy bút được in trong tập Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân. Sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Người lái đò sông Đà cho ta diện mạo của một Nguyễn Tuân khao khát được hòa nhịp với đất nước và cuộc đời này.
- Hình tượng con sông Đà là hình tượng trung tâm của tác phẩm…
II. Phân tích
1. Con sông hung bạo:
a) Sự hung bạo thể hiện ở cảnh đá bờ sông dựng vách thành:
- Hình ảnh “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời” đã gợi ra được độ cao và diễn tả được cái lạnh lẽo, âm u của khúc sông.
- Hình ảnh so sánh “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu” đã diễn tả sự nhỏ hẹp của dòng chảy gợi ra lưu tốc lớn, nhất là vào mùa nước lũ với bao nguy hiểm rình rập.
- Bằng liên tưởng độc đáo, Nguyễn Tuân đã tiếp tục khắc sâu ấn tượng về độ cao của những vách đá, sự lạnh lẽo, u tối của đoạn sông và cái nhỏ hẹp của dòng chảy “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”.
b) Sự hung bạo thể hiện ở ghềnh đá “quãng mặt ghềnh Hát Loóng”
- Nhân hóa con sông như một kẻ chuyên đi đòi nợ thuê: dữ dằn, tàn bạo.
- Điệp từ, điệp cấu trúc (nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió) cùng với việc sử dụng liên tiếp các thanh trắc đã tạo nên âm hưởng dữ dội, nhịp điệu khẩn trương, dồn dập như vừa xô đẩy, vừa hợp sức của sóng, gió và đá khiến cho cả ghềnh sông như sôi lên, cuộn chảy dữ dằn, tạo nên mối đe dọa thực sự đối với người lái đò nào “quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”.
c) Sự hung bạo thể hiện ở những “cái hút nước” chết người:
- Sự khủng khiếp tàn độc:
+ Được tái hiện từ các góc nhìn khác nhau: từ trên nhìn xuống mặt nước sông “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”; từ dưới lòng sông nhìn ngược lên “thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào…”
+ Được cảm nhận từ các vị thế khác nhau:
• Vị thế của người quay phim “ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút sông Đà…”
• Vị thế của người xem phim “thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn…”
+ Được cảm nhận bằng các giác quan khác nhau: thị giác là những hình ảnh liên tưởng độc đáo và mới lạ; thính giác: lúc thì “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, lúc thì“nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”
- Giải pháp: “Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu…”. Đó chính là sự minh chứng rõ nhất cho mức độ nguy hiểm tột cùng của những cái hút nước.
- Hậu quả khủng khiếp mà những cái hút nước gây ra: “Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống” hoặc “Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và bị đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”
d) Sự hung bạo thể hiện ở chiến trường sông Đà
* Dấu hiệu đầu tiên là âm thanh tiếng nước thác:Âm thanh phong phú: lúc thì nghe như là oán trách, lúc như van xin, khi thì khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo, đặc biệt có lúc rống lên gầm thét những âm thanh cuồng nộ, ghê sợ để trấn áp con người.
* Các trùng vi thạch trận:
- Trùng vi thạch trận thứ nhất: Đó là “cả một chân trời đá”, “mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”.
+ Đá ở con thác này biết bày binh bố trận như Binh pháp Tôn Tử, gồm năm cửa trận, trong đó “có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông”.
+ Cửa sinh lại chia làm ba tuyến- tiền vệ, trung vệ, hậu vệ- đòi ăn chết con thuyền đơn độc. Khi thạch trận bày xong, đá phối hợp với nước thác dữ dội và nham hiểm
- Trùng vi thạch trận thứ hai:
+ Khúc sông này càng tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền, và cũng chỉ có một cửa sinh. Cửa sinh ấy lại không kém phần nguy hiểm khi “thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào”
+ Phối hợp với đá là “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh (lao nhanh) trên sông đá”
+ Cùng với đó là bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ xô ra, đòi “níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”.
- Trùng vi thạch trận thứ ba: Ít cửa ra vào, “bên phải bên trái đều là luồng chết cả”, chỉ có một luồng sống lại “ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác”
2. Con sông trữ tình:
a) Góc nhìn từ trên cao (máy bay), Sông Đà mang vẻ đẹp của một mĩ nhân
- Từ trên cao nhìn xuống, dòng chảy uốn lượn của con sông giống như “cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình”, đặc biệt là giống như mái tóc của người thiếu nữ “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.
+ Dòng sông mang vẻ đẹp của một áng tóc trữ tình mềm mại, tha thướt và duyên dáng.
+ Vẻ đẹp của dòng sông hài hòa với núi rừng Tây Bắc, được núi rừng điểm tô thêm cho nhan sắc mĩ miều.
- Nhìn ngắm sông Đà từ nhiều thời gian khác nhau, tác giả đã phát hiện ra những sắc màu tươi đẹp và đa dạng của dòng sông. Màu nước biến đổi theo mùa, mỗi mùa có vẻ đẹp riêng trong cách so sánh rất cụ thể:
+ Mùa xuân, nước Sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích”, tươi sáng, trong trẻo, lấp lánh
+ Mùa thu, nước Sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”
+ Đặc biệt, nhà văn khẳng định chưa bao giờ con sông có màu đen như thực dân Pháp đã “đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào”, và gọi bằng cái tên lếu láo Sông Đen.
- Góc nhìn từ bờ bãi sông Đà, dòng sông mang vẻ đẹp của một “cố nhân”:
+ Vẻ đẹp của nước Sông Đà gợi nhớ đến một trò chơi của con trẻ “trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”, đẹp một cách hồn nhiên và trong sáng.
+ Vẻ đẹp của nắng sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới Đường thi “tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”” (Xuôi thuyền về Dương Châu giữa tháng ba, mùa hoa khói).
+ Vẻ đẹp của bờ bãi sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới thần tiên trong khu vườn cổ tích “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”.
→ Nhà văn đã cảm nhận được cái chất “đằm đằm ấm ấm” thân thuộc khi gặp lại sau một thời gian “ở rừng đi núi đã hơi lâu”.
- Góc nhìn từ giữa lòng sông Đà, con sông mang vẻ đẹp của một người tình nhân:
+ Đó là vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình như còn lưu lại dấu tích của lịch sử cha ông.
+ Đó là vẻ đẹp tươi mới, tràn trề nhựa sống, như bắt đầu một mùa nảy lộc sinh sôi.
+ Đó còn là vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính
- Cảnh đẹp quá nên đã gợi cảm hứng cho thi ca bao đời. Vẻ đẹp ấy đã cùng với sông Đà chảy qua không gian, thời gian, và đặc biệt là chảy qua cả những áng thơ ca bao đời, thơ Nguyễn Quang Bích rồi Tản Đà… để trở thành bất tử. Trong cái nhìn của thi sĩ Tản Đà, Sông Đà đã trở thành “một người tình nhân chưa quen biết”.
3. Nghệ thuật xây dựng hình tượng:
- Tác phẩm cũng cho thấy sự tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân. Vốn sống phong phú và trí tưởng tượng dồi dào đã giúp nhà văn tạo nên những trang viết hết sức độc đáo và có giá trị nghệ thuật cao.
- Nhà văn cũng đã thể hiện tài năng điêu luyện của một người nghệ sĩ ngôn từ.
III. Đánh giá chung
- Sông Đà hiện lên qua những trang văn của Nguyễn Tuân không chỉ thuần túy là thiên nhiên, mà còn là một sản phẩm nghệ thuật vô giá. Qua đây tác giả cũng kín đáo thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết và niềm say mê, tự hào với thiên nhiên của quê hương xứ sở mình.
- Hình tượng sông Đà còn có ý nghĩa là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của con người - người lái đò trên dòng sông.
Chương 2. Cacbohidrat
Đề kiểm tra 45 phút - Chương 3 – Hóa học 12
ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MỚI NHẤT CÓ LỜI GIẢI
Đề kiểm tra 15 phút - Chương 8 – Hóa học 12
Đề khảo sát chất lượng đầu năm