Đề bài
I. ĐỌC – HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu:
Tết năm nay là sự chuyển tiếp giữa hai thế kỉ, và hơn thế nữa, là sự chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ. Trong thời khắc như vậy, ai ai cũng nói tới việc chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới.
Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừ nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ là phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.
Cần chuẩn bị những cái cần thiết trong hành trang mang vào thế kỉ mới, trong khi chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ, làm cho tỉ trọng trí tuệ trong một sản phẩm ngày càng lớn. Chắc rằng chiều hướng này sẽ ngày càng gia tăng. Một phần dưới tác động của những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều.
Trong một thế giới như vậy, nước ta phải cùng một lúc giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đồng thời lại phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức. Làm nên sự nghiệp ấy đương nhiên là những con người Việt Nam với những điểm mạnh và điểm yếu của nó.
Cái mạnh vủa con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng
(Trích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan – tạp chí Tia sáng năm 2001)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai đoạn văn: Tết năm nay là sự chuyển tiếp giữa hai thế kỉ, và hơn thế nữa, là sự chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ. Trong thời khắc như vậy, ai ai cũng nói tới việc chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới.
Trong hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ mà ai ai cũng thừ nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ là phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.
Câu 3: Theo tác giả, cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam là gì?
Câu 4: Thông điệp được gửi gắm qua đoạn trích.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Qua gợi ý trong phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về: Trong những hành trang ấy, sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.
Câu 2
Phân tích đoạn thơ sau:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối lê vơi đầy.
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
(Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ Văn 12 tập một, NXB Giáo dục 2008, trang 110, 111)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2:
- Biện pháp nghệ thuật: Điệp từ - điệp ngữ : sự chuyển tiếp giữa ; ai ai cũng.
- Tác dụng: Nhằm nhấn mạnh con người đang chuẩn bị bước sang một trang mới chuẩn bị hành trang là điều cần thiết, mà hành trang quan trọng nhất chính là sự chuẩn bị bản thân mỗi người.
Câu 3:
- Điểm mạnh của con người Việt Nam: Thông minh, nhạy bén với cái mới.
- Điểm yếu của con người Việt Nam: Lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề.
Câu 4:
- Thông điệp được gửi gắm qua đoạn trích: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Hành trang quan trọng nhất chính là sự chuẩn bị của bản thân con người. Để có hành trang tốt nhất, thế hệ trẻ cần thấy rõ những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam để phát huy những điểm mạnh, sửa đổi những hạn chế sao cho thích ứng tốt nhất với đòi hỏi của nhân loại trong thời đại mới.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Mở đoạn
- Giới thiệu vấn đề.
- Khẳng định sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.
2. Thân đoạn
a. Giải thích:
* Hành trang là gì? Hành trang là đồ dùng mang theo và các thứ trang bị khi đi xa. Ở đây, dùng với nghĩa là hành trang tinh thần như tri thức, kỹ năng, thói quen …
* Vì sao sự chuẩn bị hành trang bản thân con người là quan trọng nhất?
- Từ cổ chí kim, con người bao giờ cũng là động lực phát triển của lịch sử.
- Đặc biệt trong thế kỉ mới (sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, trong một nền kinh tế tri thức) vai trò của con người lại càng quan trọng hơn.
b. Phân tích
- Mỗi con người cần chuẩn bị những hành trang gì?
+ Chuẩn bị về tri thức, học vấn.
+ Chuẩn bị về kĩ năng.
- Cần chuẩn bị hành trang bằng cách nào?
+ Xác định được mục tiêu, lí tưởng sống rõ ràng, đúng đắn.
+ Ý chí, sự quyết tâm theo đuổi những mục tiêu đó.
+ Phát huy những điểm mạnh và loại trừ những điểm yếu.
- Chứng minh: Quán quân đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên Trần Ngọc Minh, chị đã chuẩn bị hành trang kiến thức vững vàng để trở thành gương mặt đầu tiên đạt thành tích cao nhất trong cuộc thi đường lên đỉnh Olympia. Sau đó chị đã học tập và đạt kết quả xuất sắc ở Australia. Hiện chị đang làm việc cho một công ty mạng di động danh tiếng ở đất nước này.
c. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Hiện nay vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa xác định được mục tiêu sống, sống hoang phí tuổi trẻ.
- Ngoài ra còn có những bạn có mục đích sống không lành mạnh, cho rằng sống chỉ là sự hưởng thụ, không có cống hiến cho xã hội.
- Cần lên án những thái độ sống thiếu tích cực và thiếu lành mạnh như vậy.
- Để chuẩn bị hành trang cho mỗi con người, bản thân chúng ta cần xác định mục tiêu, lí tưởng sống rõ ràng, đúng đắn. Có lòng kiên trì và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đó, không sợ khó khăn, gian khổ.
d. Liên hệ bản thân: Em đã làm những gì để chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới?
3. Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề một lần nữa.
Thế hệ trẻ Việt Nam phải nhanh chóng khắc phục điểm yếu, hình thành những đức tính và thói quen tốt khi đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thế kỉ mới.
Câu 2:
1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Thơ ông là thơ trữ tình – chính trị đậm đà tính dân tộc.
- Bài thơ Việt Bắc trích trong tập thơ cùng tên, được viết nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử: tháng 10/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, những người kháng chiến từ chiến khu Việt Bắc trỏ về thủ đô Hà Nội. Bài thơ được coi là một thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.
- Đoạn thơ là sự tái hiện hình ảnh Việt Bắc trong hồi tưởng với tình cảm gắn bó ân nghĩa, khăng khít.
2. Phân tích đoạn thơ:
* Nhớ cảnh Việt Bắc thanh bình:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
- Hình ảnh so sánh “như nhớ người yêu” diễn tả nỗi nhớ luôn thường trực, bồi hồi, da diết, thể hiện sự gắn bó tha thiết trong tình cảm.
- Đối tượng nỗi nhớ:
+ Những hình ảnh gợi cảm đầy thi vị: trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương, bếp lửa, rừng nứa, bờ tre... gợi nhớ những vẻ đẹp nên thơ rất riêng của miền rừng núi.
+ Những địa danh ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê không chỉ trải dài trên bản đồ địa lí của Việt Bắc; không chỉ được khắc ghi trong lịch sử Cách mạng- là nơi đã diễn ra nhiều chiến công oanh liệt; mà còn ghi dấu bao kỉ niệm của người ra đi.
* Nhớ những ngày khó khăn gian khổ nhưng đậm đà tình nghĩa:
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
- Hai câu đầu diễn tả tình cảm gắn bó và nỗi nhớ về một thời đã cùng nhau đồng cam cộng khổ.
- Hai câu thơ sau cụ thể hóa những đắng cay và ngọt bùi mà ta và mình cùng trải qua: chia nhau sắn lùi còn mùi tro bếp, chia nhau bát cơm đầu mùa – những dư vị không thể quên, chia sẻ cả hơi ấm – chăn sui đắp cùng.
- Tác giả sử dụng một loạt các từ đồng nghĩa “chia”, “sẻ”, “cùng” nhấn mạnh hơn sự chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ của đồng bào Việt Bắc và cán bộ kháng chiến đồng thời cũng nhấn mạnh ân tình mà cán bộ kháng chiến đã chịu ơn đồng bào Việt Bắc.
* Nhớ người mẹ Việt Bắc:
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.
- Hình ảnh người mẹ hiện ra trong bối cảnh nắng cháy lưng – thời điểm nắng gắt gao, vẫn địu con lên rẫy làm việc, cần mẫn chăm chỉ bẻ từng bắp ngô... đã gợi ra sự tần tảo chắt chiu, cần cù lao động của những bà mẹ trong kháng chiến đã đùm bọc, cưu mang chiến sĩ, cán bộ cách mạng.
- Qua hình ảnh người mẹ, ta còn thấy được sự biết ơn của cán bộ kháng chiến với đồng bào Việt Bắc.
* Đánh giá:
- Đoạn thơ không chỉ là sự tái hiện nối nhớ về khung cảnh và con người của Việt Bắc mà còn là lời khẳng định tình cảm thủy chung son sắt của đồng bào Việt Bắc với cán bộ kháng chiến.
- Với kết cấu của thể thơ lục bát truyền thống, đoạn thơ như một khúc hát ân tình, lời thơ giản dị mà gần giũ đi học lòng người muôn thế hệ, trở thành điệu hồn chung của cả dân tộc.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
Chương 3: Amin, amino axit và protein
Chương 4. Dao động và sóng điện từ
Chương 4. POLIME VÀ VẬT LIỆU POLIME
Một số vấn đề phát triển và phân bố các ngành dịch vụ
CHƯƠNG IV. KIẾN TRÚC VÀ BẢO MẬT CÁC HỆ CƠ SỞ DỮ LIỆU