Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
…
Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng.
Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu.
Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.
…
Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.
Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ
Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay
May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may
Hãy nói thật ít. Để làm được nhiều – những điều có nghĩa của trái tim.
…
Hãy hân hoan với điều nhân nghĩa
Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân
Và hãy tin vào điều có thật:
Con người – sống để yêu thương.
(“Gửi con”, Bùi Nguyễn Trường Kiên, báo Nhân Dân, số 38, ngày 20/9/2009)
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì ?
Câu 2. Xác định và phân tích giá trị của biện pháp tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ:“Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn/ Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui”.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa các câu thơ:“Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng/ Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu/ Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi” ?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả gửi gắm trong những câu thơ sau hay không ? Tại sao ?: “Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại/ Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa/ Chẳng sao”.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (200 chữ) trình bày suy nghĩ về quan niệm sống: “Con người – sống để yêu thương”.
Câu 2.
Phân tích chi tiết kết thúc truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…” (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.32). Từ đó liên hệ với chi tiết kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao: “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…” (Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.155) để nhận xét sự thay đổi trong quan niệm của các nhà văn về số phận người nông dân trước và sau cách mạng.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Thể thơ: Tự do.
Câu 2:
- Xác định: Phép điệp, tương phản/đối.
- Giá trị: Nhấn mạnh những quy luật cảm xúc, đời sống, sự chuyển hóa các cung bậc đối nghịch nhau, tạo nhịp điệu cho câu thơ.
Câu 3:
- Người cha nhắc nhở con về việc giúp đỡ người khác trong cuộc sống.
- Học cách giúp đỡ người khác, nhiệt tình, đúng mực, có giới hạn để sự giúp đỡ ấy phát huy giá trị tốt đẹp.
Câu 4:
Đây là câu hỏi mở, học sinh tùy theo suy nghĩ để trả lời nhưng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau:
- Thể hiện quan điểm: đồng ý hoặc không đồng ý.
- Lí giải được một cách hợp lý, thuyết phục.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a. Đảm bảo yêu cầu của đoạn văn:
- Viết đúng hình thức đoạn văn.
- Thí sinh có thể lựa chọn các hình thức đoạn văn khác nhau.
b. Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận:
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:
- Yêu thương là sự quan tâm, thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia, quy mến… con người.
- Con người cần sống yêu thương vì đó là một lối sống đẹp. Sống yêu thương mang lại những điều kì diệu cho cuộc sống. Người cho và nhận yêu thương đều được bình yên và hạnh phúc.
- Cần phê phán những hiện tượng sống thờ ơ, ích kỉ, vô cảm trong xã hội.
- Đưa ra các dẫn chứng cụ thể, thuyết phục.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Đảm bảo đúng chính tả, dùng từ chính xác, viết câu đúng ngữ pháp.
e. Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ, suy nghĩ sâu sắc.
Câu 2:
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài giới thiệu được vấn đề cần nghị luận, thân bài triển được vấn đề cần nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích chi tiết kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, liên hệ với chi tiết kết thúc truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đẻ nhận xét sự thay đổi trong quan niệm của các nhà văn về số phận người nông dân trước và sau cách mạng.
c. Triển khai vấn đề:
1. Giới thiệu ngắn về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt
2. Phân tích
2.1 Phân tích chi tiết kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt
- Về nội dung:
+ Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.
+ Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng.
+ Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện.
- Về nghê thuật:
- Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện; dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán.
2.2 Liên hệ với chi tiết kết thúc truyện ngắn Chí Phèo để nhận xét về thay đổi trong quan niệm của các nhà văn về số phận người nông dân trước và sau cách mạng.
- Giới thiệu về tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo.
- Ý nghĩa đoạn kết với hình ảnh Cái lò gạch bỏ hoang
+ Truyện kết thúc bằng cách lặp lại hình ảnh ở phần mở đầu tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng gợi ra vòng luẩn quẩn của thân phận Chí Phèo, giúp tô đậm chủ đề tư tưởng: cuộc đời Chí Phèo tuy kết thúc nhưng tấn bi kịch Chí Phèo sẽ vẫn còn tiếp diễn.
+ Kết thúc truyện thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao: đồng cảm với nỗi thống khổ của người nông dân dưới ách thống trị tàn bạo của bọn địa chủ phong kiến, trân trọng khát vọng được sống lương thiện của họ.
+ Kết thúc truyện vừa khép vừa mở dành nhiều khoảng trống cho người đọc tưởng tượng và suy ngẫm, tạo ra được dư âm sâu bền đối với sự tiếp nhận.
2.3 Nhận xét về sự thay đổi trong quan niệm của các nhà văn về số phận người nông dân trước và sau cách mạng:
- Kết thúc truyện Chí Phèo phản ánh hiện thực luẩn quẩn, bế tắc của người nông dân lao động, được thể hiện qua kết cấu đầu cuối tương ứng thể hiện sự lặp lại của hiện tại. Đó là sự bế tắc của số phận, thời đại, hoàn cảnh.
- Kết thúc truyện Vợ nhặt phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người, từ bóng tối đến ánh sáng, từ hiện tại đến tương lai. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng còn ẩn dụ cho một tương lai tươi sáng khi có ánh sáng cách mạng dẫn lối cho con người.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
Chương 9: Hóa học và vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường
Chương 4. POLIME VÀ VẬT LIỆU POLIME
Bài 39. Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ
ĐỊA LÍ KINH TẾ
CHƯƠNG I. DAO ĐỘNG CƠ