Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
tôi yêu
chất người đầu tiên
những giọt sương lặn vào lá cỏ
qua nắng gắt qua bão tố
vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh
vẫn long lanh bình thản trước vầng dương
trong mờ mịt mưa giăng tôi trở lại mùa màng
mà tiếng nói chúng ta là hạt giống
không ai dám đùa với niềm hi vọng
thao thức trên bàn tay người thợ gieo trồng
ta đâu phải kẻ há miệng chờ sung
nhưng con đường đến trái chín
chưa bao giờ đơn giản
và tôi biết
những tượng đài những vinh quang dễ dãi
thật xa lạ với người tù thủa ấy
…
ta sẽ có những bài hát khác
xin nhớ lại
giai điệu đầu tiên
lối mòn
những chồi non
hoa
hơi thở
những bàn tay
tia sáng dò đường
tiếng huýt sáo dội vào vách núi
chợt mỉm cười khoảnh khắc thấy trời xanh…
(Sự bùng nổ của mùa xuân – Thanh Thảo)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên.
Câu 3: Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ.
những giọt sương lặn vào lá cỏ
qua nắng gắt qua bão tố
vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh
vẫn long lanh bình thản trước vầng dương
Câu 4: Sự bùng nổ của mùa xuân được thể hiện qua những hình ảnh nào? Thông điệp cảm xúc tác giả muốn gửi gắm qua những hình ảnh đó.
II. LÀM VĂN
Câu 1: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về bài học từ những hạt giống được nêu ở phần Đọc hiểu:
nhưng con đường đến trái chín
chưa bao giờ đơn giản
Câu 2: Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:
Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng…
(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai)
Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức…
(Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2:
- Giữa cuộc đời đầy chông gai, sóng gió, con người vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, vẫn tha thiết yêu đời, vẫn cháy bỏng niềm tin yêu và hy vọng. Giữa vô vàn khó khăn, khốc liệt của hoàn cảnh, cái đẹp vẫn đơm hoa, sự sống vẫn nảy mầm…
Câu 3:
- Ẩn dụ: "giọt sương lặn vào lá cỏ", "nắng gắt", "bão tố"
+ "Giọt sương lặn vào lá cỏ": ẩn dụ cho cái đẹp bình dị, khiêm nhường của đời sống quanh ta.
+ "Nắng gắt", "bão tố": ẩn dụ để chỉ những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
- Lặp cấu trúc: "Qua…vẫn…vẫn": nhấn mạnh vẻ đẹp vững bền, bất biến của những giọt sương qua bao khắc nghiệt của tự nhiên, bao thăng trầm của đời sống.
Câu 4:
- Hình ảnh thể hiện sự bùng nổ của mùa xuân:
+ Những giọt sương lặn vào lá cỏ
+ Cái mát lành đầy sức mạnh
+ Long lanh bình thản trước vầng dương
+ Hạt giống
+ Những chồi non
- Thông điệp: Từ một hiện tượng trong thiên nhiên, Thanh Thảo gợi mở cho ta nhiều suy ngẫm về con người, cuộc sống:
+ Sức sống bền bỉ, mãnh liệt của thiên nhiên, và cũng chính là sức sống bền bỉ, mãnh liệt của con người trước sóng gió cuộc đời.
+ Cách nhìn nhận, khám phá cái đẹp của đời sống: Đời sống vẫn luôn tiềm ẩn những vẻ đẹp kì diệu. Có những sự vật bề ngoài tưởng chừng mong manh, những con người thoạt nhìn rất nhỏ bé, khiêm nhường (như giọt sương, lá cỏ) nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh lớn lao, một vẻ đẹp kì diệu (Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh, Vẫn long lanh, bình thản trước vầng dương).
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- "Con đường": hành trình chúng ta chinh phục những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
- "Trái chín": thành quả chúng ta đạt được
→ Câu nói khẳng định để đi đến thành công mỗi chúng ta sẽ phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách, khó khăn thậm chí thất bại. Nhưng không được nản lòng mà phải quyết tâm vượt qua những thử thách đó.
* Bàn luận vấn đề
- Đi đến thành công chưa bao giờ là điều đơn giản, dễ dàng, trong hành trình đó chúng ta gặp vô vàn khó khăn, thách thức.
- Bằng sự nỗ lực, cố gắng con người sẽ vươn đến thành công.
- Đồng thời, những khó khăn, vấp ngã trên đường đời cũng là thuốc thử để con người khám phá, phát hiện những phẩm chất quý báu, đẹp đẽ của chính mình.
- Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp.
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Phê phán những kẻ lười biếng, nhụt ý chí, không có niềm tin và quyết tâm
- Trong mọi hoàn cảnh, dù vất vả, gian nan, con người cần có bản lĩnh, nghị lực vươn lên để sống một cuộc sống có ý nghĩa.
- Liên hệ bản thân.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.
- Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Những sáng tác của Nam Cao xoay quanh đề tài người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.
- Chí Phèo là một kiệt tác trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, một truyện ngắn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, chứng tỏ trình độ nghệ thuật bậc thầy của một nhà văn lớn. Chí Phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ; khi in thành sách lần đầu (NXB Đời mới, Hà Nội, 1941), nhà xuất bản tự ý đổi tên thành là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi ôn lại trong tập Luống cày (Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), tác giả đặt lại tên là Chí Phèo.
→ Hai đoạn trích trên là hai đoạn trích đặc sắc của hai tác phẩm.
2. Phân tích hai đoạn trích
2.1. Đoạn trích trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”: Đoạn trích miêu tả tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân
- Khái quát lại số phận, cuộc đời nhân vật Mị
- Bối cảnh được gợi ra qua từ “ngày Tết” – khi mùa xuân đến. Chính khung cảnh mùa xuân với không gian đậm chất trữ tình đã khơi gợi trong Mị những cảm xúc.
- Rượu chính là tác nhân đánh thức sức sống tiềm tàng trong người con dâu gạt nợ “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”.
- Mị sống lại trong mộng tưởng với những ngày tháng tươi đẹp “lòng Mị đang sống về ngày trước”
- Tiếng sáo xuất hiện văng vẳng bên tai làm sức sống trong Mị trỗi dậy, dẫn dắt Mị vượt thoát thực tại.
- Nghệ thuật: tác giả dùng những tín hiệu nghệ thuật như “rượu”, “tiếng sáo” để miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật.
2.2. Đoạn trích trong tác phẩm Chí Phèo – Nam Cao: Đoạn trích miêu tả tâm lý của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối
- Khái quát lại cuộc đời, số phận của nhân vật Chí Phèo
- Hắn tìm lại về với rượu – một thứ hắn gần như làm bạn cả đời “Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống.”
- “Càng uống lại càng tỉnh” – diễn tả sự đau khổ tột cùng của Chí Phèo.
- Việc hắn thấy “thoang thoảng hơi cháo hành” thể hiện sự khát khao một cuộc sống lương thiện, khát khao được yêu thương. Chính lúc này sự đau khổ được đẩy lên đỉnh điểm.
- “Hắn ôm mặt khóc rưng rức”: hình như phần con người hoàn toàn được thức tỉnh. Chí Phèo ý thức được hoàn cảnh của mình và cả sự đau khổ mà mình đang gánh. Sau đó Chí đã tìm đến kẻ thù của mình.
- Nghệ thuật:
+ Câu văn ngắn
+ Sử dụng lời nửa trực tiếp
2.3. Điểm tương đồng và khác biệt
* Tương đồng:
- Miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật trong thời khắc quan trọng.
- Đều có tác nhân đánh thức những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật.
* Khác nhau:
- Mị là cô gái miền núi với hoàn cảnh riêng khác biệt.
- Chí Phèo là người nông dân bị bần cùng hóa với những bi kịch bị tha hóa và bi kịch bị từ chối.
3. Kết luận
- Khái quát lại vấn đề.
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 2 môn Hóa học lớp 12
Đề kiểm tra 15 phút - Chương 6 – Hóa học 12
Tải 15 đề kiểm tra 15 phút - Chương 7 – Hóa học 12
Đề kiểm tra 45 phút - Chương 5 – Hóa học 12
Bài 33. Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng