Đề bài
I.Đọc hiểu
Anh/chị hãy đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4
Trong cuốn Quá tải: kinh doanh du lịch bùng nổ, tác giả Elizabeth Becker gọi du lịch là ngành công nghiệp toàn cầu tàn bạo, một con dao hai lưỡi, hứa hẹn thu nhập và việc làm cho bên chủ nhà, và các trải nghiệm để đời cho bên khách, nhưng cùng lúc đó có sức tàn phá khủng khiếp với môi trường, văn hóa và cộng đồng.
Số phận các địa điểm du lịch tầm cỡ khác nhau của Việt Nam cũng tương tự ở Sapa. Ở vịnh Hạ Long, mỗi ngày 20.000 du khách được đưa đến và chuyển đi như gà con trên bang chuyền, sau khi trực tiếp xả thẳng phế thải của mình xuống dưới biển. Ở Phú Quốc, mùi nắng gió, mùi nước mắm, các đồn điền tiêu, những làng chài, tâm hồn và cá tính của hòn đảo, đang biến mất dần. Thay vào đó là chi chít hàng quán, biển hiệu rối rắm, như một thị trấn vô hồn bất kì nào khác. Người ta xẻ rừng quốc gia để đặt vào đó các lâu đài nhái kiểu cổ tích châu Âu chóp nhọn lòe loẹt xanh đỏ, những cây thông và bãi cỏ ôn đời lạ lẫm với khí hậu địa phương, biến một thiên đường nhiệt đới tự nhiên thành một “thiên đường” bê tông nhân tạo.
Du lịch đại trà là một hiện tượng toàn cầu, nhưng nó gây ra tác hại nhiều nhất ở các nước đang phát triển, vì sức chống cự của các nước này, cả về nguồn lực tài chính lẫn trình độ quản lý đều yếu kém hơn. Ở Ankor Wat, gần đây các ngôi đền bắt đầu bị lún vì mực nước ngầm hạ thấp do mức tiêu thụ của các khách sạn liên tục tăng lên. Ám ảnh nhất với tôi là Vang Viêng ở Bắc Lào. Nằm bên bờ sông Nam Song, được vây xung quanh bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp, cái hang nhỏ duyên dáng và xinh xắn này bỗng nhiên trở thành nơi các thanh niên phương Tây tập kết để ăn chơi như không có ngày mai. Họ tụ tập ở các quán bar trải dài 4km dọc bờ sông, ăn pizza trộn với cần sa, nốc whisky đựng trong các bát ô tô nhựa, nhảy nhót trong tiếng nhạc rầm rầm, rồi nằm trong săm ô tô lao mình xuống nước xoáy để tiêu khiển. Sau mấy chục ca tử vong chỉ trong vòng một năm, chính phủ Lào phải ra tay dừng cuộc vui lại.
Mức sống chung cao lên, các đường bay giá rẻ ra đời, càng tạo điều kiện cho du lịch đại trà phát triển. Thậm chí, người ta bắt đầu sử dụng tới thuật ngữ “du lịch siêu đại trà” (mega mass tourism) để mô tả hiện tượng này. Dầu thế kỉ 21, Giáo hoàng Jonh Paul II phê phán du lịch đại trà là một hình thức bóc lột mới, nó “biến văn hóa các lễ nghi tôn giáo, và các lễ hội dân tộc thành các sản phẩm tiêu dùng” khi khách du lịch tìm tới những cái mới lạ một cách hời hợt và không muốn tiếp xúc thực sự với văn hóa bản địa.
…
Có thể dừng lại cỗ máy khổng lồ mang tên “phát triển” này được không? Tôi không chắc. Vì nó đang được đốt bởi lòng tham. Các doanh nghiệp thì tham lợi nhuận. Chính phủ thì tham tăng trưởng GDP. Các du khách thì tham các trải nghiệm mì ăn liền, tham được tưởng thưởng mà không phải lao động. Họ muốn “chỉ cần 15 phút để lên nóc nhà Đông Dương”, chụp selfie giữ rừng già mà vẫn đi guốc cao gót, nhẹ nhàng như vào Paris Deli.
Nhưng cũng như với mọi thứ khác trên đời, sự tham lam sẽ phá hủy hết. Lòng tham sẽ biến con ngỗng vàng mang tên du lịch thành một con quái vật. Các nhà chuyên môn đã nói nhiều về cú nổ bong bóng của các điểm đến sau thời kì tăng trưởng nóng vô độ. Với cách làm du lịch hiện nay, sẽ tới lúc Sapa giống muôn vàn những chỗ khác: vô bản sắc, ô hợp, nhân tạo và rẻ tiền. Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn, một sự thảm hại cho cả người ở đó lẫn người tới thăm.
(Theo Bức xúc không làm ta vô can – Đặng Hoàng Giang)
Câu 1: Đoạn văn bản trên có nội dung gì?
Câu 2: Văn bản có sự kết hợp của những thao tác lập luận nào?
Câu 3: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.
Câu 4: Căn cứ vào văn bản, anh/chị hãy lí giải: tại sao du lịch bị xem là một ngành công nghiệp toàn cầu tàn bạo?
II. Làm văn
Câu 1:
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày ý kiến của anh/chị về “nguy cơ con ngỗng vàng mang tên du lịch có thể biến thành một con quái vật” ở Việt Nam.
Câu 2:
So sánh và đánh giá phần kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” (SGK Ngữ Văn 11, Tập một, Nxb Giáo dục) của nhà văn Nam Cao và phần kết thúc truyện ngắn “Vợ nhặt” (SGK Ngữ Văn 12, Tập hai, Nxb Giáo dục) của nhà văn Kim Lân.
Lời giải chi tiết
I. Đọc hiểu
Câu 1:
Nội dung đoạn văn: Những tác ảnh, hưởng ảnh của du lịch đối với con người, môi trường, văn hóa (mặt trái của du lịch).
Câu 2:
- Các thao tác lập luận gồm:
+ Chứng minh: lấy dẫn chứng về sự xuống cấp ở các khu du lịch: Hạ Long, Sa Pa, Ankor Wat, Vang Viêng Bắc Lào.
+ Bình luận: những mặt trái của ngành công nghiệp du lịch
Câu 3:
Biện pháp nghệ thuật
- Biện pháp so sánh:
+ Ở Vịnh Hạ Long, mỗi ngày 20.000 du khách được đưa đến và chuyển đi như gà con trên băng chuyền, sau khi trực tiếp xả thẳng phế thải của mình xuống dưới biển.
+ Thay vào đó là chi chít hàng quán, biển hiệu rối rắm, như một thị trấn vô hồn bất kỳ nào khác. (xem lại giúp tớ cái này nhé)
- Biện pháp nhân hóa:
+ Tâm hồn và cá tính của hòn đảo đang biến mất dần.
+ Tác dụng: Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng đa dạng, phong phú đã nói lên những tác hại ghê gớm của du lịch đối với cảnh quan tự nhiên, với bản sắc văn hóa của các vùng miền.
Câu 4:
Du lịch bị xem là một ngành công nghiệp toàn cầu tàn bạo vì:
- Du lịch hứa hẹn thu nhập và việc làm cho bên chủ nhà, và các trải nghiệm để đời cho bên khách nhưng cùng lúc đó có sức tàn phá khủng khiếp với môi trường, văn hóa và cộng đồng.
- Du lịch làm biến mất cá tính riêng và bản sắc tâm hồn của các địa phương.
- Du lịch phá hoại quang cảnh thiên nhiên, biến một thiên đường nhiệt đới tự nhiên thành một thiên đường bê tông nhân tạo.
- Các nghi lễ tôn giáo, những bản sắc dân tộc trở thành sản phẩm tiêu dùng, nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
→ Du lịch biến các địa phương thành: vô bản sắc, ô hợp, nhân tạo và rẻ tiền.
II. Làm văn
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề.
* Giải thích vấn đề.
- Sử dụng lối nói hình ảnh con ngỗng vàng (tiềm năng, lợi ích du lịch mang lại) với con quái vật (tác hại, mặt trái của ngành công nghiệp du lịch), tác giả bài viết đã nói lên nguy cơ của ngành du lịch có thể từ chỗ là ngành công nghiệp tiềm năng, mang lại lợi nhuận kinh tế cao đến chỗ nếu khai thác không phù hợp sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề về tự nhiên, văn hóa.
* Bàn luận vấn đề
- Những lợi ích mà du lịch đem lại:
+ Tạo việc làm cho người lao động.
+ Đem lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương và đất nước.
- Mặt trái của ngành du lịch:
+ Xả rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường
Dẫn chứng: ở Thái Lan luôn tự hào mở cửa cho ngành du lịch với giá dịch vụ hấp dẫn, rẻ nhưng bù vào đó là sự hi sinh của môi trường. Vì kinh doanh giá rẻ nên tất yếu sẽ phải sử dụng bao bì ni lông, hậu quả là cống rảnh, sông suối luôn ngập rác thải, làm chết các sinh vật,…
+ Cảnh quan thiên nhiên bị tàn hủy nghiêm trọng .
Dẫn chứng: ở các khu du lịch tự nhiên ta dễ dàng nhận thấy các con đường đất đá dần được bê tông hóa, quá trình này đã tàn phá nghiêm trọng cảnh quan tự nhiên. Đồi núi bị cắt xẻ làm các tòa nhà cao tầng phục vụ khách du lịch.
+ Bản sắc văn hóa của các vùng miền bị biến đổi, nhằm phụ vụ nhu cầu của khách du lịch. Nền văn hóa bản địa đặc trưng đúc kết qua nhiều ngàn năm bỗng chốc biến thành dịp lễ hội dân tộc thuần túy theo nhu cầu của du khách. Người ta cố sức cải biên những bản sắc dân gian cổ truyền sao cho thật “hợp khẩu vị” người ngoại quốc.
Dẫn chứng: Sapa được biết đến là một thị trấn đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc: H-mông, Tày, Giao Đỏ, Xá Phó,.. tất cả các dân tộc này đã tạo nên nét bản sắc của vùng. Nhưng với sự phát triển của du lịch nét bản sắc ngày càng bị tha hóa, biến chất.
+ Những nét văn hóa đạo đức, lối sống của con người bị hủy hoại
Dẫn chứng: trẻ em ở Sa Pa hay rất nhiều vùng du lịch khác như một lẽ thường lệ, sáng đến chúng đứng dọc các điểm du lịch và chờ nhận quà, nhận kẹo của những người tham quan. Những ông bố bà mẹ ra sức lôi kéo khách hàng.
- Biện pháp:
+ Thắt chặt quản lí du lịch, hạn chế người đến du lịch hàng năm, điều nay đã được chính phủ Bhutan thực thi để đảm bảo cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ an toàn, giữ được những nét đẹp nguyên sơ của nó.
+ Khai thác cảnh quan thiên nhiên hợp lý, có những biện phạp xử lí nghiêm minh với những tổ chức cố tình phá hoại cảnh quan thiên nhiên.
+ Giữ vững những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
* Giới thiệu về tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo và kết thúc truyện Chí Phèo.
- Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của ông xoay quanh đề tài về người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.
- Chí Phèo là truyện ngắn tiêu biểu cho những sáng tác của tác giả. Chí Phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ, khi in thành sách lần đầu năm 1941, Nhà xuất bản tự đổi tên thành Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày(1946), Nam Cao đặt tên lại là Chí Phèo.
- Truyện ngắn Chí Phèo kết thúc bằng hình ảnh: “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người qua lại”. Đây là một kết thúc gợi ra rất nhiều suy ngẫm với người đọc.
* Giới thiệu về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và kết thúc truyện Vợ nhặt.
- Kim Lân là cây bút có sở trường về truyện ngắn. Ông chuyên viết về nông thôn và đời sống của người dân nghèo với ngòi bút đôn hậu và hóm hỉnh.
- Vợ nhặt là truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân. Truyện được in trong tập Con chó cấu xí (1962). Vợ nhặt kết thúc bằng hình ảnh “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới. Đây cũng là một kết thúc đặc sắc, gợi ra được chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
2. Thân bài
2.1 Ý nghĩa kết thúc của truyện ngắn Chí Phèo:
* Khái quát nội dung truyện ngắn và cuộc đời của nhân vật Chí Phèo:
- Truyện kể về cuộc đời Chí Phèo, một đứa trẻ bị bỏ rơi vô thừa nhận.
- Chí Phèo được người làng nhặt về nuôi, đến năm 20 tuổi làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Vì ghen tuông, Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào tù.
- Sau bảy, tám năm ở tù về, từ một người hiền lành, lương thiện, Chí thành con quỹ dữ làm tay sai cho Bá Kiến gây bao tội ác cho dân làng.
- Sau khi gặp thị Nở, bản chất lương thiện trong Chí trỗi dậy. Chí mong muốn thị giúp mình trở lại cuộc sống bình thường nhưng không được vì bị thị Nở cự tuyệt.
- Quá đau đớn, phẫn uất; Chí Phèo đến nhà Bá Kiến, giết hắn và tự kết liễu đời mình.
→ Cuộc đời của Chí từ một người nông dân hiền lành, lương thiện đã bị tha hóa, bị hủy hoại cả nhân hình lẫn nhân tính, trở thành “con quỷ của làng Vũ Đại”. Cuối cùng sau bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, Chí Phèo đã tự kết liễu đời mình.
* Ý nghĩa đoạn kết với hình ảnh “cái lò gạch cũ”
- Cái lò gạch cũ vốn là nơi Chí Phèo bị bỏ rơi lúc mới sinh. Và giờ đây khi Chí vừa chết, hình ảnh này lại xuất hiện trong đầu của thị Nở ở phần kết thúc gợi ra sự quẩn quanh, bế tắc trong tấn bi kịch tha hóa và bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân.
- Kết thúc truyện thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn: đồng cảm với nỗi thống khổ của người nông dân dưới ách thống trị tàn bạo của bọn địa chủ phong kiến, trân trọng khát vọng được sống lương thiện của họ.
- Truyện kết thúc bằng cách lặp lại hình ảnh ở phần mở đầu tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng gợi ra vòng tròn luẩn quẩn cuả thân phận Chí Phèo hay chính là thân phận của những người nông dân nghèo trong xã hội đó đồng thời giúp tô đậm dự báo về tương lai: cuộc đời Chí Phèo tuy đã kết thúc nhưng rất có thể vẫn còn những tấn bi kịch Chí Phèo vẫn sẽ còn tiếp diễn.
2.2 Ý nghĩa của kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt
* Khái quát nội dung truyện ngắn và cuộc đời nhân vật Tràng:
- Cái đói tràn về làm xơ xác, tiêu điều cả xóm ngụ cư.
- Vào một buổi chiều, Tràng – một người nông dân xóm ngụ cư thô kệch và xấu xí đã dẫn theo một người phụ nữ về nhà. Người phụ nữ bằng lòng với sính lễ là bốn bát bánh đúc.
- Mẹ Tràng đón nhận người con dâu trong tâm trạng vừa buồn vừa mừng lại có cả lo âu.
- Đêm tân hôn của họ diễn ra trong không khí chết chóc, tủi sầu của xóm ngụ cư.
- Sáng hôm sau, những thay đổi diễn ra trong tâm lí của Tràng và của cả cô vợ nhặt. Bà mẹ đã đãi hai con một nồi chè cám.
- Trong lúc ăn, qua lời kể của vợ, Tràng dần dần hiểu ra được Việt Minh là ai và trong đầu hiện lên hình ảnh người đói kéo nhau đi phá khó thóc của Nhật, phía trước là lá cờ đỏ bay phấp phới.
* Ý nghĩa đoạn kết với hình ảnh lá cờ bay phấp phới:
- Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.
- Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng.
- Hình ảnh kết thúc truyện là hy vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, là âm hưởng lạc quan của cả câu chuyện.
- Kết thúc truyện là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện. Kim Lân có lẽ đã cố tình tạo một khoảng trống để người đọc suy ngẫm, phán đoán.
2.3 So sánh sự tương đồng và khác biệt của hai kết thúc truyện
* Tương đồng:
- Hai kết thúc truyện cùng phản ánh hiện thực tăm tối của con người trước Cách mạng tháng Tám.
- Thể hiện tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn.
- Kết thúc có tính mở, giàu sức gợi.
* Khác biệt:
- Kết thúc truyện Chí Phèo phản ánh hiện thực luẩn quẩn, bế tắc của người nông dân lao động, được thể hiện qua kết cấu đầu cuối tương ứng hàm ý tương lai sẽ chỉ là sự lặp lại của hiện tại, nhân vật trong truyện chưa tìm được hướng đi cho mình.
- Kết thúc truyện Vợ nhặt phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người, được thể hiện qua kết cấu đối lập; hàm ý tương lai sẽ mở lối cho hiện tại; nhân vật trong truyện bắt đầu thức tỉnh và tìm được con đường giải phóng.
* Lí giải sự khác biệt:
- Do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử xã hội. Nam Cao viết Chí Phèo năm 1942 trong hoàn cảnh đen tối của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Kim Lân viết Vợ nhặt sau hòa bình lặp lại 1954 khi dân tộc ta đã đi qua hai mốc lớn của lịch sử là Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp. Ánh sáng Cách mạng giúp nhà văn thấy được hướng vận động và phát triển của lịch sử.
- Do khuynh hướng văn học và phương pháp sáng tác:
+ Chí Phèo: khuynh hướng văn học hiện thực phê phán. Nam Cao phản ánh hiện thực đen tối nhằm phê phán xã hội. Nhà văn yêu thương con người nhưng vẫn chưa nhìn thấy được lối thoát của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến lúc bấy giờ.
+ Vợ nhặt: khuynh hướng hiện thực Cách mạng. Nhà văn dễ dàng nhìn thấy bóng tối và ánh sáng bao trùm lên hiện thực trước Cách mạng. Cách mạng đã soi đường nên nhân vật trong sáng tác của ông đã tìm được con đường đi cho mình.
- Do tài năng và tính cách sáng tạo của từng nhàvăn: Cùng yêu thương tin tưởng con người nhưng Nam Cao có cái nhìn tỉnh táo sắc lạnh trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống. Kim Lân lạị cho rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người nông dân vẫn có thể vượt lên cái chết, cái thảm đạm để mà vui mà hi vọng.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 1 môn Toán lớp 12
Chương 3. Dòng điện xoay chiều
Đề kiểm tra 45 phút - Chương 1 – Hóa học 12
Tải 10 đề kiểm tra 15 phút - Chương 3 – Hóa học 12
CHƯƠNG 6. BẰNG CHỨNG VÀ CƠ CHẾ TIẾN HÓA