Đề bài
PHẦN ĐỌC – HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
… “Tiến sĩ Alan Phan, người có hơn 25 năm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Việt đầu tiên đưa một công ty lên sàn chứng khoán, nhận xét: “Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa”. Tại các nước phương Tây hoặc Nhật Bản, hình ảnh chúng ta thường thấy trên xe buýt, tàu điện ngầm hay ngay cả trên đường phố là hình ảnh các bạn trẻ say sưa với cuốn sách trên tay.
Mỗi lần theo dõi các cuộc tranh luận của giới trẻ Việt Nam về các vấn đề “hot” trên các diễn đàn, mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rõ sự thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa cũng như trình độ… ngụy biện thầy của các bạn trẻ. Các bạn không tự trang bị được cho mình một nền tảng kiến thức, tư duy độc lập, lập luận thuyết phục cũng như kĩ năng, văn hóa tranh biện. Tâm lý bầy đàn luôn thể hiện rõ nhất ở những sự kiện như vậy. Sự kiện cô bạn trẻ Huyền Chip và cuốn “Xách ba-lô lên và đi”, một trong những sự kiện nóng và được giới trẻ tranh luận nhiều nhất trong năm 2013, là một ví dụ điển hình. (…)
Trước mỗi sự kiện truyền thông đưa ra, các bạn trẻ không thể phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, đâu là chiêu PR. Một bộ phận những con cừu ngoan ngoãn, họ chỉ biết bám đuôi nhau và gật đầu. Bộ phận còn lại nghe cái gì cũng kêu “bậy” dù chẳng có dẫn chứng, cơ sở nào để phản biện lại.
Họ đang bị cuốn theo “cơn lốc thông tin” cũng như sự dắt mũi của một bộ phận giới truyền thông thiếu đạo đức và liêm sỉ, đang nhồi sọ người đọc với những tin tức dạng “sốc, hiếp, giết”, kiếm tiền dựa trên sự ngu muội của người khác.”
(Thái độ của người Việt trẻ với văn hóa đọc – Hiếu Minh tổng hợp, vanhoagiaoduc.vn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn ngữ liệu trên.
Câu 2. Xác định 02 phép liên kết được sử dụng trong đoạn đầu của ngữ liệu.
Câu 3. Theo anh/chị, thông điệp ý nghĩa nhất mà tác giả nhắn gửi qua văn bản trên là gì?
Câu 4. Từ ý nghĩa của văn bản, anh/chị hãy nêu ngắn gọn tác dụng của việc đọc sách đối với con người.
PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 từ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập trong ý kiến của Alan Phan:
“Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên họ thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa.”
Câu 2:
Cảm nhận về hai đoạn thơ sau đây:
_Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
(Tố Hữu, Việt Bắc, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi son sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Xuân Quỳnh, Sóng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
Lời giải chi tiết
PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
- Phép nối: Còn (… “Tiến sĩ Alan Phan, người có hơn 25 năm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Việt đầu tiên đưa một công ty lên sàn chứng khoán, nhận xét: “Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa”).
- Phép lặp: học sinh sinh viên (… “Tiến sĩ Alan Phan, người có hơn 25 năm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Việt đầu tiên đưa một công ty lên sàn chứng khoán, nhận xét: “Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa”).
Câu 3:
- Thông điệp: Hãy là một người đọc có văn hóa. Khi tiếp cận bất cứ thông tin nào cũng cần nhìn nó trên nhiều bình diện, nhiều chiều khác nhau, để tránh cách nhìn nhận phiến diện, một chiều.
Câu 4:
Tác dụng của sách với con người:
- Sách giúp ta có thêm tri thức, mở rộng hiểu biết, thu thập thông tin một cách nhanh nhất.
- Sách bồi đắp tinh thần, tình cảm cho mỗi người, để chúng ta trở thành người có văn hóa, ứng xử văn minh.
- Sách là người bạn động viên,chia sẻ làm vơi đi nỗi buồn (dẫn chứng)
PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề: văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam
* Giải thích vấn đề.
- “Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên họ thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa.”
→ Nhận xét của tác giả đã nêu lên một thực trạng đáng buồn về văn hóa đọc ở Việt Nam. Học sinh, sinh viên Việt Nam không hình thành thói quen đọc sách từ bé, vốn kiến thức ít ỏi, văn hóa đọc thấp, dễ bị sa đà vào những câu chuyện, trò chơi vô bổ trên mạng xã hội. Đây là thực trạng đáng buồn và cần có biện pháp để thay đổi.
- Văn hóa đọc: là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người đối với sách.
- Văn hóa đọc là một nét đẹp, phát triển mạnh ở các nước Âu – Mỹ và Nhật Bản.
- Văn hóa đọc ở Việt Nam lại là một thực trạng đáng buồn, các bạn trẻ chưa ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách, chưa hình thành văn hóa đọc.
* Bàn luận vấn đề:
- Thực trạng văn hóa đọc sách ở Việt Nam?
+ Người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm, tức là chưa đầy một cuốn, bi đát hơn, nông dân Việt đã nói không với sách. Trong khi đó Malaysia và Singapore là 10 – 20 đầu sách/người/năm.
+ Các bạn trẻ thay vì nghiền ngẫm những cuốn sách kinh điển đem đến giá trị nhân văn, thẩm mĩ lại yêu thích những câu chuyện tình nhạt nhẽo của các cuốn tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc.
→ Đây quả là thực trạng đáng báo động với người Việt trẻ về văn hóa đọc.
- Nguyên nhân:
+ Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa nghe nhìn lên ngôi, văn hóa đọc ngày càng bị lấn át, lép vế, giới trẻ ngày càng rời xa với thói quen đọc sách mỗi ngày.
+ Cuộc sống bận rộn, con người bị cuốn đi bởi dòng chảy cuộc sống, luôn mong muốn đọc những tin tức nhanh, cập nhật.
+ Quan trọng nhất là do học sinh sinh viên không hình thành cho bản thân thói quen đọc sách từ nhỏ, không xác định được ý nghĩa, vai trò to lớn của sách đối với cuộc sống.
- Giải pháp:
+ Hình thành thói quen đọc sách cho bản thân.
+ Đọc sách có chọn lọc.
+ Cơ quan chức năng cần tổ chức thêm những ngày hội văn hóa đọc, để tuyên truyền cho mọi người hiểu về vai trò của việc đọc sách. Xây dựng thêm các thư viện ở làng xã.
* Liên hệ bản thân
Câu 2:
1. Giới thệu tác giả, tác phẩm
* Giới thiệu tác giả Tố Hữu, tác phẩm Việt Bắc và đoạn trích
- Tố Hữu là lá cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam. Những chặng đường thơ của ông luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi, vinh quang của dân tộc. Thơ Tố Hữu mang đậm tính chất trữ tình – chính trị với giọng điệu thiết tha, tâm tình.
- Việt Bắc (1954) là đỉnh cao thơ Tố Hữu và là một thành tựu xuất sắc của thơ chống Pháp, tiêu biểu cho phong cách thơ độc đáo của ông.
- Đoạn thơ thể hiện những tình cảm da diết của người chiến sĩ cách mạng với đồng bào Việt Bắc.
* Giới thiệu về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm Sóng và đoạn trích
- Xuân Quỳnh là gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam Hiện đại. Những vần thơ của bà là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
- Sóng (1967) là thi phẩm tiêu biểu cho phong cách và hồn thơ Xuân Quỳnh.
- Đoạn thơ là nỗi nhớ da diết trong tình yêu bỏng cháy của người phụ nữ.
2. Phân tích
2.1 Đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
- Đoạn thơ là tình cảm gắn bó sâu nặng của người cán bộ cách mạng với quê hương Việt Bắc.
- Tình cảm chủ đạo bao trùm cả đoạn thơ là “nỗi nhớ”. Nỗi nhớ ấy được diễn tả qua nghệ thuật so sánh: “như nhớ người yêu” – nỗi nhớ luôn thường trực, da diết. Nỗi nhớ ấy dành cho cả con người và thiên nhiên Việt Bắc.
- Hiện lên trong nỗi nhớ là hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc với cảnh vật bình dị, đơn sơ, đầm ấm nhưng thi vị: trăng đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương…là những hình ảnh rất đặc trưng cho khung cảnh núi rừng êm đềm, thơ mộng.
- Con người Việt Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó hiện lên trên cái nền trữ tình “Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ lục bát với nhịp điệu linh hoạt, uyển chuyển; âm hưởng ngọt ngào, tha thiết.
+ Hình ảnh thơ giản dị, lối so sánh đậm chất dân gian.
→ Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: phong cách trữ tình với thể thơ lục bát giàu nhạc điệu và đậm đà màu sắc dân tộc kết hợp với hình ảnh giản dị và đầy gợi cảm.
2.2 Đoạn thơ trong bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
- Hình tượng sóng diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu.
- Cả khổ thơ đọng lại một chữ “nhớ”. Nỗi nhớ gắn với không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, với “bờ”; nó bao trùm cả thời gian “ngày đêm không ngủ được”, và xâm chiếm tâm hồn con người, ngay cả trong vô thức “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Một tiếng “nhớ” mà nói được nhiều điều. Em đã hoá thân vào sóng. Sóng đã hoà nhập vào tâm hồn em để trở nên có linh hồn thao thức.
- Đây là khổ duy nhất trong bài có đến 6 câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu.
- Nỗi nhớ được bộc lộ một cách trực tiếp, chân thành, gợi mở tâm hồn của người phụ nữ.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ năm chữ với âm điệu nhịp nhàng, dào dạt như những đợt sóng biển, sóng lòng bồi hồi da diết.
+ Hình tượng sóng vừa ẩn dụ vừa giàu tính thẩm mĩ.
→ Đoạn trính tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh hồn hậu. chân thành, đằm thắm, luôn trăn trở, khát khao một tình yêu thủy chung, bất diệt.
2.3 So sánh điểm tương đồng và khác biệt trong hai đoạn thơ
* Tương đồng:
- Cả hai đoạn thơ đều bộc lộ nỗi nhớ tha thiết, bồi hồi, sâu lắng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
- Nỗi nhớ đều được diễn tả bằng một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế với bút pháp tài hoa, sắc sảo.
* Khác biệt:
- Đoạn thơ trong bài thơ Việt Bắc là nỗi nhớ thiên nhiên, con người Việt Bắc gắn với tình cảm cách mạng ân tình, thủy chung. Đoạn thơ đậm đà tính dân tộc, mang màu sắc truyền thống.
- Đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh là nỗi nhớ của một người con gái đang yêu được gửi gắm qua hình tượng sóng, gắn với không gian rộng lớn của biển cả. Bài thơ mang màu sắc hiện đại bởi sự bộc lộ một cách trực tiếp cung bậc tình yêu trong tâm hồn người phụ nữ, hai hình tượng sóng đôi sóng và em được xây dựng thành công.
* Lí giải sự khác biệt
- Sự khác biệt này là do phong cách của từng nhà thơ chi phối:
+ Tố Hữu là nhà thơ của những tình cảm lớn, lẽ sống lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của dân tộc.
+ Xuân Quỳnh là nhà thơ của những khát khao hạnh phúc bình dị đời thường trong tâm hồn người phụ nữ.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
CHƯƠNG 4. POLIME VÀ VẬT LIỆU POLIME
Chương 7. Sự phát sinh và phát triển sự sống trên Trái Đất
CHƯƠNG III. DÒNG ĐIỆN XOAY CHIỀU
CHƯƠNG 8. PHÂN BIỆT MỘT SỐ CHẤT VÔ CƠ
Chương 4. Dao động và sóng điện từ