Câu 1
Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:
Công nhân sửa đường
Bác Tâm, mẹ của Thư đang chăm chú làm việc. Bác đi một đôi găng tay bằng vải rất dày. Vì thế, tay bác y như tay một người khổng lồ. Bác đội nón khăn trùm gần kín mặt, chỉ để hở mỗi cái mũi và đôi mắt. tay phải bác cầm một chiếc búa. Tay trái bác xếp rất khéo léo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng. Bác đập búa đều đều vào những viên đá để chúng ken chắc vào nhau. Hai tay bác đưa lên, hạ xuống nhịp nhàng. Dường như bác đang làm một việc gì đấy rất nhẹ nhàng chứ không phải là việc vá đường vất vả kia. Chỉ có mảnh áo ướt đẫm mồ hôi ở lưng bác là cứ loang ra mãi…
Mảnh đường hình chữ nhật đen nhánh hiện lên, thay thế cho những cái ổ gà quái ác lúc trước. Thư say sưa ngắm miếng vá hình chữ nhật, thơm nồng mùi nhựa đường hăng hắc ấy rồi ôm cổ mẹ:
Đẹp quá! Mẹ vá đường cũng như vá áo ấy!
Bác Tâm đứng lên vươn vai mấy cái liền. Bác nheo mắt nhìn mặt đường. Năng chói chang. Một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt bác.
(Theo Nguyễn Thị Xuyến)
a/ Vì sao khi làm việc, bác Tâm lại đi găng tay vải dày, đội nón, khăn trùm gần kín mặt?
b/ Các câu văn: “Hai tay bác đưa lên, hạ xuống nhịp nhàng. Dường như bác đang làm một việc gì đấy rất nhẹ nhàng chứ không phải là công việc vá đường vất vả kia.” cho biết điều gì?
c/ Đoạn cuối bài nói lên điều gì?
d/ Nêu cảm nghĩ của em về bác Tâm – người công nhân làm đường.
Phương pháp giải:
a. Con suy nghĩ xem khi làm công việc vất vả như vá đường, sử dụng những vật đó có tác dụng gì?
b. - Nhịp nhàng: có nhịp điệu, đều đặn và ăn khớp với nhau.
- Nhẹ nhàng: có tính chất nhẹ, không gây cảm giác nặng nề hay khó chịu gì.
Thông qua việc giải nghĩa hai tính từ trên con hình dung như thế nào về hình ảnh bác Tâm khi làm việc?
c. Con đọc kĩ đoạn cuối câu chuyện, chú ý hình ảnh của bác Tâm ở đoạn cuối và lời khen của Thu?
d. Con đọc lại toàn bài, suy nghĩ về công việc của bác Tâm.
Lời giải chi tiết:
a. Khi làm việc, bác Tâm đi găng tay vải dày, đội nón, khăn trùm gần kín mặt để bảo vệ cho chính bản thân mình, những đồ bảo hộ lao động đó sẽ giúp cho bác tránh được những tác hại không mong muốn từ công việc sửa đườngvô cùng vất vả.
b. Từ việc miêu tả bác Tâm khi làm việc cho ta thấy được bác Tâm là một người thợ sửa đường khéo léo, lành nghề, có nhiều kinh nghiệm và cũng rất yêu công việc của mình. Việc vá đường vô cùng vất vả, nặng nhọc mà thao tác khi làm việc của bác thì lại nhẹ nhàng, đều đặn, ăn khớp như thể đó là công việc chẳng có gì nặng nhọc.
c. Công việc của bác Tâm vô cùng vất vả tuy vậy bác vẫn không quản khó khăn, cần mẫn chăm chỉ làm việc. Niềm vui chính là khi công việc hoàn thành, có thể giúp ích nhiều hơn cho những người xung quanh mình.
d. Bác Tâm là một người thợ sửa đường khéo tay, lành nghề. Công việc vô cùng vất vả nhưng bác luôn làm bằng một tinh thần say mê, chăm chỉ lao động quên mình. Em vô cùng cảm phục bác, bác là tấm gương để em học tập và noi theo.
Câu 2
Trong câu: “Bác đập búa đều đều xuống những viên đá để chũng ken chắc vào nhau.” có mấy quan hệ từ? Đó là những từ nào?
Phương pháp giải:
Quan hệ từ là từ nối các từ ngữ hoặc các câu, nhằm thể hiện mối quan hệ giữa những từ ngữ hoặc những câu ấy với nhau: và, với, hay, hoặc, nhưng, mà, thì, của, ở, tại, bằng, như, để, về,…
Lời giải chi tiết:
Trong câu trên có một quan hệ từ, đó là từ để, đây là quan hệ từ chỉ mục đích nhằm nối giữa vế “Bác đập búa đều đều xuống những viên đá” và vế “chúng ken chắc vào nhau”
câu 3
Hai câu sau liên kết với nhau bằng cách nào?Khoanh vào chữ cái trước ý em chọn.
Dậy sớm học bài là một thói quen tốt. Nhưng phải cố gắng lắm mới có được thói quen ấy.
a/ Lặp các từ ngữ.
b/ Dùng từ ngữ nối.
c/ Thay thế từ ngữ.
Phương pháp giải:
Có ba phép liên kết giữa các câu:
- Liên kết bằng cách thay thế từ ngữ.
- Liên kết bằng cách lặp từ ngữ.
- Liên kết bằng cách dùng từ nối
Lời giải chi tiết:
Hai câu trên được liên kết với nhau bằng cách dùng từ nối và thay thế từ ngữ.
- Dùng từ nối: từ Nhưng được đặt ở đầu câu thứ 2
- Thay thế từ ngữ: từ “thói quen ấy” ở câu 2 được dùng để thay thế cho “dậy sớm” ở câu thứ nhất.
Câu 4
Hãy đặt một câu có sử dụng phép liên kết bằng cách thay thế từ ngữ.
Phương pháp giải:
Con suy nghĩ để đặt câu.
Lời giải chi tiết:
Vợ của anh ấy là Hải Phương. Cô ấy trước đây là hoa khôi của một trường đại học có tiếng.
Cô ấy là từ được dùng để thay thế cho Hải Phương, vợ của anh ấy
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 5
Chương 5. Ôn tập
Unit 3: Where Did You Go On Holiday?
Unit 9. What did you see at the zoo?
Chuyên đề 10. Hình học