Phần I
Khởi động:
Em thích chơi trò chơi gì cùng bố mẹ?
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân để trả lời.
Lời giải chi tiết:
- Em thích chơi điều khiển máy bay đồ chơi với bố.
- Em thích chơi đồ hàng với mẹ.
Phần II
Đọc:
TRÒ CHƠI CỦA BỐ
Bố luôn dành cho Hường những điều ngạc nhiên. Lúc rảnh rỗi, hai bố con ngồi chơi với nhau như đôi bạn cùng tuổi.
Có lần, hai bố con chơi trò chơi “ăn cỗ”. Hường đưa cái bát nhựa cho bố:
- Mời bác xơi!
Bố đỡ bằng hai tay hẳn hoi và nói:
- Xin bác. Mời bác xơi!
- Bác xơi nữa không ạ?
- Cảm ơn bác! Tôi đủ rồi.
Hai bố con cùng phá lên cười. Lát sau, hai bố con đổi cho nhau. Bố hỏi:
- Bác xơi gì ạ?
- Dạ, xin bác bát miến ạ.
- Đây, mời bác.
Hường đưa tay ra cầm lấy cái bát nhựa. Bố bảo:
- Ấy, bác phải đỡ bằng hai tay. Tôi đưa cho bác bằng hai tay cơ mà!
Năm nay, bố đi công tác xa. Đến bữa ăn, nhìn hai bàn tay của Hường lễ phép đón bát cơm, mẹ lại nhớ đến lúc hai bố con chơi với nhau. Mẹ nghĩ, Hường không biết rằng ngay trong trò chơi ấy, bố đã dạy con một nết ngoan.
(Theo Phong Thu)
Từ ngữ
Xơi: (lời mời lịch sự) ăn, uống.
Phần III
Trả lời câu hỏi:
Câu 1: Hai bố con Hường chơi trò chơi gì cùng nhau?
Phương pháp giải:
Em đọc ba dòng đầu tiên và quan sát tranh.
Lời giải chi tiết:
Hai bố con Hường chơi trò chơi “ăn cỗ” cùng nhau.
Câu 2
Câu 2: Khi chơi, hai bố con xưng hô với nhau như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ lại đoạn hai bố con nói chuyện khi chơi trò chơi.
Lời giải chi tiết:
Khi chơi, hai bố con xưng hô là “bác” và “tôi”
Câu 3
Câu 3: Nhìn hai tay Hường đón bát cơm, mẹ nhớ tới điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn cuối cùng.
Lời giải chi tiết:
Nhìn hai tay Hường đón bát cơm, mẹ nhớ đến những lúc hai bố con chơi với nhau.
Câu 4
Câu 4: Khi chơi cùng bố, Hường đã được bố dạy nết ngoan nào?
a. Biết nấu ăn
b. Có cử chỉ và lời nói lễ phép
c. Chăm làm và biết giúp đỡ bố mẹ
Phương pháp giải:
Em xem lại nội dung bài.
Lời giải chi tiết:
Khi chơi cùng bố, Hường đã được bố dạy nết ngoan: Có cử chỉ và lời nói lễ phép.
Chọn đáp án: b
Nội dung
Thông qua trò chơi ăn cỗ mà bố và Hường cùng chơi với nhau, bài đọc nói lên tình cảm giữa những người thân trong gia đình với nhau, các bố dạy Hường những điều cần biết trong nói năng và cư xử với người lớn.
Câu 2
Câu 2: Cùng bạn đóng vai nói và đáp lời yêu cầu, đề nghị.
M:
- Bác cho tôi một bát phở gà.
- Xin lỗi, ở đây không có phở gà.
- Vậy bác cho tôi xin bát miến.
- Vâng ạ! Bác chờ một chút.
Phương pháp giải:
Em làm theo mẫu để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
- Trời nóng quá! Bạn mở giúp tôi cái cửa sổ nhé!
- Ừ, bạn chờ tôi một chút!
- Cảm ơn bạn nhé!
Phần IV
Luyện tập theo văn bản đã học
Câu 1: Những câu nói nào dưới đây thể hiện thái độ lịch sự?
a. Cho tôi xin bát miến.
b. Dạ, xin bác bát miến ạ.
c. Đưa tôi bát miến!
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ các đáp án.
Lời giải chi tiết:
Những câu nói thể hiện thái độ lịch sự là:
a. Cho tôi xin bát miến.
b. Dạ, xin bác bát miến ạ.
(Hai câu này thể hiện thái độ lịch sự vì có từ xin, dạ, ạ)
Chọn đáp án: a, b
Bài tập cuối tuần 3
Unit 1: Is this your mom?
Welcome
Chủ đề 6: Gia đình yêu thương
Bài tập cuối tuần 21
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Tiếng Việt lớp 2
Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 2
Tiếng Việt - Cánh Diều Lớp 2
Văn mẫu - Kết nối tri thức Lớp 2
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo Lớp 2
Văn mẫu - Cánh diều Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Kết nối tri thức Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Cánh diều Lớp 2
Cùng em học Tiếng Việt Lớp 2