Phần I
Nhìn tranh, đoán xem chuyện gì đã xảy ra với cánh cam.
Phương pháp giải:
Em quan sát kĩ bức tranh.
Lời giải chi tiết:
Cánh cam đi lạc rồi bị thương. Bạn nhỏ trông thấy nên đã nuôi cánh cam trong chiếc lọ và để đầy cỏ và nước để chăm sóc cánh cam hằng ngày.
Phần II
TẠM BIỆT CÁNH CAM
Chú cánh cam đi lạc vào nhà Bống. Chân chú bị thương, bước đi tập tễnh. Bống thương quá, đặt cánh cam vào một chiếc lọ nhỏ đựng đầy cỏ. Từ ngày đó, cánh cam trở thành người bạn nhỏ xíu của Bống.
Cánh cam có đôi cánh xanh biếc, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Mỗi khi nghe tiếng động, chú khệ nệ ôm cái bụng tròn lẳn, trốn vào đám có rối. Bống chăm sóc cánh cam rất cẩn thận. Hằng ngày, em đều bỏ vào chiếc lọ một chút nước và những ngọn cỏ xanh non.
Nhưng Bống cảm thấy cánh cam vẫn có vẻ ngơ ngác không vui, chắc chú nhớ nhà và nhớ bạn bè. Đoán vậy, Bống mang cánh cam thả ra bãi cỏ sau nhà. Tạm biệt cánh cam bé nhỏ, Bống hi vọng chú sẽ tìm được đường về căn nhà thân thương của mình.
(Minh Đăng)
Từ ngữ
- Tập tễnh: dáng đi không cân, bên cao bên thấp.
- Óng ánh: phản chiếu ánh sáng lấp lánh, trông đẹp mắt.
- Khệ nệ: dáng đi chậm chạp như phải mang vác nặng.
Phần III
Trả lời câu hỏi:
Câu 1: Bống làm gì khi thấy cánh cam bị thương?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn thứ nhất.
Lời giải chi tiết:
Khi thấy cánh cam bị thương, Bống thương quá nên đã đặt cánh cam vào một chiếc lọ nhỏ đựng đầy cỏ.
Câu 2
Câu 2: Bống chăm sóc cánh cam như thế nào? Câu văn nào cho em biết điều đó?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn thứ 2.
Lời giải chi tiết:
Bống chăm sóc cánh cam rất chu đáo. Câu văn cho em biết điều đó là: Hằng ngày, em đều bỏ vào chiếc lọ một chút nước và những ngọn cỏ xanh non.
Câu 3
Câu 3: Vì sao Bống thả cánh cam đi?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn thứ ba.
Lời giải chi tiết:
Bống thả cánh cam đi vì bạn ấy nghĩ cánh cam buồn vì nhớ nhà, nhớ bạn bè.
Câu 4
Câu 4: Nếu là Bống, em có thả cánh cam đi không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em trả lời theo suy nghĩ của bản thân.
Lời giải chi tiết:
Nếu là Bống, em cũng sẽ thả cánh cam đi. Vì em muốn bạn ấy được trở về môi trường sống của mình, được đoàn tụ với gia đình, được gặp lại bạn bè.
Phần IV
Luyện tập theo văn bản đọc:
Câu 1: Những từ nào dưới đây được dùng trong bài để miêu tả cánh cam?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ lại đoạn văn thứ 2.
Lời giải chi tiết:
Những từ ngữ dùng trong bài để miêu tả cánh cam là: xanh biếc, tròn lẳn, óng ánh, khệ nệ
Câu 2
Câu 2: Thay bạn Bống, em hãy nói lời động viên, an ủi cánh cam khi bị thương.
Phương pháp giải:
Em làm theo yêu cầu của bài tập.
Lời giải chi tiết:
- Cánh cam ơi, bạn đừng buồn nhé! Mình sẽ chăm sóc bạn đến khi vết thương của bạn lành lại. Sau đó, mình sẽ để bạn trở về nhà của bạn.
Câu 3
Câu 3: Nếu thấy bạn đang buồn, em sẽ nói gì?
Phương pháp giải:
Em trả lời theo suy nghĩ của bản thân.
Lời giải chi tiết:
Nếu thấy bạn buồn em sẽ an ủi bạn và tìm cách làm cho bạn vui:
- Cậu đừng buồn nữa nhé! Bọn mình cùng nhau đi chơi trò chơi cho đỡ buồn nhé!
Nội dung chính
Cánh cam gặp nạn được Bống giúp đỡ. Sau khi cánh cam khỏe lại, Bống đã trả cánh cam về với môi trường sống của chính nó. |
VBT TIẾNG VIỆT 2 TẬP 2 - CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
Chủ đề 1. QUÊ HƯƠNG EM
Chủ đề. TUÂN THỦ QUY ĐỊNH NƠI CÔNG CỘNG
Bài tập cuối tuần 23
Chủ đề 6. Nhịp điệu vui
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Tiếng Việt lớp 2
Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 2
Tiếng Việt - Cánh Diều Lớp 2
Văn mẫu - Kết nối tri thức Lớp 2
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo Lớp 2
Văn mẫu - Cánh diều Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Kết nối tri thức Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Cánh diều Lớp 2
Cùng em học Tiếng Việt Lớp 2