Phần A
A. Đọc
Câu 1: Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi.
Cây bàng
Cứ vào mùa đông
Gió về rét buốt
Cây bàng trụi trơ
Lá cành rụng hết
Chắc là nó rét!
Khi vào mùa nắng
Tán lá xoè ra
Như cái ô to
Đang làm bóng mát
Bóng bàng tròn lắm
Tròn như cái nong
Em ngồi vào trong
Mát ơi là mát!
A! Bàng tốt lắm
Bàng che cho em
Nhưng ai che bàng
Cho bàng khỏi nắng?
(Xuân Quỳnh)
a. Mùa đông, cây bàng như thế nào?
b. Mùa nào cây bàng toả bóng mát?
Phương pháp giải:
a. Em đọc khổ thơ thứ nhất.
b. Em đọc khổ thơ thứ hai.
Lời giải chi tiết:
a. Mùa đông cây bàng trụi trơ, lá cành rụng hết.
b. Mùa nắng cây bàng tỏa bóng mát.
Câu 2
Câu 2: Đọc hiểu
Cánh chim báo mùa xuân
Bốn nàng tiên Xuân, Hạ, Thu, Đông sống trên bốn ngọn núi. Năm ấy không hiểu vì sao, mùa đông kéo dài lê thê. Muôn loài khổ sở vì rét, bèn cử chim công có sắc đẹp lộng lẫy nhất đi đón nàng tiên mùa xuân. Nhưng đường xa, gió lạnh, công bị ốm, phải quay về.
Sư tử liền đi thay công. Cậy khoẻ, sư tử đi không nghỉ, nhưng rồi đuối sức dần, không đi tiếp được.
Chim én nói:
- Mẹ cháu họ ngày càng nặng. Không có nắng ấm mùa xuân, mẹ cháu khó qua khỏi. Cháu xin đi!
Muông thủ đồng ý. Chim én mẹ nhổ lông cánh tết thành chiếc áo choàng cho con. Én con bay mãi, bay mãi, cuối cùng cũng đến chỗ ở của nàng tiên mùa xuân. Én con thấy một chú chim co ro bên đường liền cởi áo choàng đắp cho bạn. Chú chim bỗng biến mất, nàng tiên mùa xuân hiện ra:
- Con thật hiếu thảo, nhân hậu và dũng cảm! Ta chọn con làm sứ giả của mùa xuân.
Én con trở về cùng nàng tiên mùa xuân. Từ đó, mỗi khi thấy chim én bay liệng, muôn loài biết rằng mùa xuân sắp về.
(Theo Kể chuyện cho bé)
Từ ngữ
Sứ giả của mùa xuân: người được coi là đại diện cho mùa xuân.
Trả lời câu hỏi và thực hiện yêu cầu.
a. Lúc đầu, muông thú chọn con vật như thế nào để đi đón nàng tiên mùa xuân?
□ Có sắc đẹp
□ Có sức khoẻ
□ Có lòng dũng cảm
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn thứ nhất.
Lời giải chi tiết:
Lúc đầu, muông thú chọn chim công có sắc đẹp lộng lẫy nhất đi đón nàng tiên mùa xuân.
Chọn đáp án: có sắc đẹp
2b
b. Con vật nào đã được cử đi đầu tiên?
□ chim công
□ chim én
□ sư tử
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn văn thứ nhất.
Lời giải chi tiết:
Chim công được cử đi đầu tiên.
Chọn đáp án: chim công
2c
c. Vì sao chim én xin đi đón nàng tiên mùa xuân?
□ Vì chim én biết mình bay nhanh.
□ Vì chim én khoẻ hơn công và sư tử.
□ Vì chim én muốn đem nắng ấm về cho mẹ.
Phương pháp giải:
Em đọc lời chim én nói với muôn loài.
Lời giải chi tiết:
Chim én đi đón nàng tiên mùa xuân bởi vì mẹ chim én đang bị ho rất nặng, không có nắng xuân về thì khó qua khỏi, nên chim én muốn cứu mẹ.
Chọn đáp án: Vì chim én muốn đem nắng ấm về cho mẹ.
2d
d. Nhờ đâu chim én đến được nơi ở của nàng tiên mùa xuân, không bỏ về giữa chừng?
Phương pháp giải:
Em đọc phần cuối của câu chuyện.
Lời giải chi tiết:
Chim én đến được nơi ở của nàng tiên mùa xuân là vì én con là một người rất hiếu thảo, có lòng dũng cảm lại rất nhân hậu.
2e
e. Khi nào nàng tiên mùa xuân mới hiện ra trước mắt chim én?
Phương pháp giải:
Em đọc phần cuối câu chuyện.
Lời giải chi tiết:
Nàng tiên mùa xuân hiện ra trước mắt chim én sau khi chim én cởi chiếc áo mẹ choàng mẹ làm cho mình để đắp cho một chú chim co ro bên đường.
2g
g. Vì sao chim én được chọn làm sứ giả của mùa xuân?
Phương pháp giải:
Em đọc lời nói của nàng tiên mùa xuân.
Lời giải chi tiết:
Chim én được chọn làm sứ giả của mùa xuân bởi vì chim én là người hiếu thảo, nhân hậu lại dũng cảm.
2h
h. Dấu câu nào thích hợp với các ô vuông dưới đây?
Muông thú đói □ rét □ ốm đau vì mùa đông kéo dài.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ rồi trả lời.
Lời giải chi tiết:
Dấu câu thích hợp với các ô vuông là dấu phẩy.
Phần B
B. Viết
Câu 1: Nghe – viết: Cây bàng (3 khổ thơ đầu).
Cây bàng
Cứ vào mùa đông
Gió về rét buốt
Cây bàng trụi trơ
Lá cành rụng hết
Chắc là nó rét!
Khi vào mùa nắng
Tán lá xoè ra
Như cái ô to
Đang làm bóng mát
Bóng bàng tròn lắm
Tròn như cái nong
Em ngồi vào trong
Mát ơi là mát!
Câu 2
Câu 2: Chọn a hoặc b.
a. Chọn s hoặc x thay cho ô vuông.
Hàng chuối lên □anh mướt
Phi lao reo trập trùng
Vài ngôi nhà ngói đỏ
In bóng □uống dòng □ông.
(Theo Trần Đăng Khoa)
b. Chọn dấu hỏi hoặc dấu ngã cho chữ in đậm.
Một bác chài lặng le
Buông câu trong bóng chiều
Bông nhiên con cá nho
Nhay lên thuyền như trêu.
(Theo Trần Đăng Khoa)
Phương pháp giải:
Em làm theo yêu cầu của bài tập.
Lời giải chi tiết:
a. Chọn s hoặc x thay cho ô vuông.
Hàng chuối lên xanh mướt
Phi lao reo trập trùng
Vài ngôi nhà ngói đỏ
In bóng xuống dòng sông.
(Theo Trần Đăng Khoa)
b. Chọn dấu hỏi hoặc dấu ngã cho chữ in đậm.
Một bác chài lặng lẽ
Buông câu trong bóng chiều
Bỗng nhiên con cá nhỏ
Nhảy lên thuyền như trêu.
(Theo Trần Đăng Khoa)
Câu 3
Câu 3: Viết 4 – 5 câu kể lại một hoạt động ở trường hoặc lớp em (ví dụ: biểu diễn văn nghệ, đi tham quan, đồng diễn thể dục,...).
G:
- Trường (hoặc lớp em) đã tổ chức hoạt động gì? Ở đâu?
- Hoạt động đó có những ai tham gia? Mọi người đã làm những việc gì?
- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của em về hoạt động đó.
Phương pháp giải:
Em viết theo gợi ý.
Lời giải chi tiết:
Cuối tuần vừa rồi, cô giáo đã tổ chức cho lớp em đi tham quan công viên. Trước chuyến đi, bọn em đã chuẩn bị đồ ăn, nước uống. Tới nơi, chúng em được tập trung để ăn nhẹ. Sau đó mọi người được tham gia văn nghệ. Chúng em còn được tham gia hoạt động thể thao như kéo co, nhảy dây, đá bóng. Thật là một buổi đi chơi thú vị! Em rất vui vì đã có một chuyến đi thật ý nghĩa.
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Tiếng Việt lớp 2
Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 2
Tiếng Việt - Cánh Diều Lớp 2
Văn mẫu - Kết nối tri thức Lớp 2
Văn mẫu - Chân trời sáng tạo Lớp 2
Văn mẫu - Cánh diều Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Kết nối tri thức Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Chân trời sáng tạo Lớp 2
VBT Tiếng Việt - Cánh diều Lớp 2
Cùng em học Tiếng Việt Lớp 2